Lão Lạng, người xóm Đìa, sóm sém bảy mươi. Ngoài nghề cày ruộng, đánh dẹp tôm, thầy cúng đất, coi ngày giờ, đắp lò bánh tráng, móc đẹn trẻ nhỏ, bốc thuốc Nam, châm lươn bằng điện, buôn bò tài tử, lão lại thêm nghề đan nia.Nia của lão thật đặc biệt, không hình tròn mà hình tam giác. Loại nia này, lão thồ xe đạp lên tận miền sơn cước để bán cho dân tộc thiểu số. Lão thường bảo: “Họ không sảy thóc như người dưới xuôi phải khom lưng. Cũng không quen xoay tròn đưa đẩy, nên loại nia này thích hợp”.Mỗi đợt bán nia về, lão thường giắt lưng những món đặc sản miền núi, và lúc nào cũng gọi chú Dành cùng xóm đến chơi uống rượu tẩy trần.Chú Dành có vợ một con, nhỏ hơn lão bốn giáp, nghĩa là chú mới hai mươi hai.
***************
***************
Đêm nay, trời trăng, gió mát, có thịt nai xào măng le cùng bầu rượu ngâm chuối hột bốn lít nên lão trải chiếu giữa sân, cùng chú Dành đối ẩm.Uống ăn một chặp, như bỗng nhớ ra, chú Dành khẩn khoản đề nghị:- Phiền bác cho nghe bài “Trăng Châu Thổ”. Đủ điện rồi đấy!Chỉ chờ có thế, lão Lạng liền “khạc khạc” mấy tiếng dữ dằn như heo nái hộc, cho tróc đờm thông cổ, rồi lão ngâm thơ. Một giọng ngâm lê thê, ướt nhẹp, bò trườn trong đêm yên tĩnh, nghe thật não nùng:- Sao anh không về chơi thôn Vĩ/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà/ Kìa ai chín suối xương không nát/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia/ Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước/ Hòn đá xanh rì lún phún rêu/ Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai...Dứt bài, lão “ực” một ly kêu cái “tót”, ngửa mặt ngắm trăng.Như thường lệ, chú Dành khi đã “nạp” rượu đầy đủ thì trở thành một tín đồ Thơ. Chú căng tai lắng nghe chăm chú, dáng vẻ sùng kính. Hồn chú bay theo Thơ, đầu óc lỏng ra, tan loãng bồng bềnh. Hậu quả của Thơ, lúc nào cũng làm chú khóc. Chú khóc “hu hu”, nói trong nghẹn ngào:- Quá buồn. Buồn vô chừng kể. Nghe hoài, nghe mãi, mà lần nào cũng như mới xuất xưởng.Lão Lạng thôi ngắm trăng, lão ngắm vào chiếu, lão đằng hắng, giọng khẳng định:- Thơ là việc buồn, mà buồn thì lẽ nào lại cũ. Chỉ có vui là cũ thôi.Lão lại rót rượu, “ực” một ly, chuyển chai sang chú Dành. Chú đỡ lấy, khịt khịt mũi mếu máo:- Chí lý vô chừng kể. – Chú thò gắp một đũa thịt nai, nhai ngồm ngoàm, nuốt nhanh rồi tiếp, - nhưng nếu không Thơ, thì đời lại buồn hơn.- Đấy.Đấy. – Lão Lạng vỗ đét đùi, lão nhảy nhỏm, -chỗ hiễm là ở đấy. Nếu đời không Thơ... thì đời cũ mèm từ lâu rồi. Cho nên Thơ phải bay trong đời, tận hang cùng ngõ hẻm. – Lão tiếp tục ngâm dòng thơ đầu Ngô mình Sở của lão: - Buồn trông cửa biển chiều hôm/ Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang/ Mịt mù nào thấy chi đâu/ Chân đi đã mỏi người đau như dần/ Xảy nghe như giặc đến gần/ Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò...Thơ vang vọng, chú Dành lại khóc thút thít, chú vội bưng rượu uống nhanh, để đè nén cái cay đắng trong lòng. Có cái cay đắng buồn buồn, con người trở nên lịch sự, chú đọc một câu thơ đáp lễ:- Anh có thể lấp ló bên kho Nhà nước/ Nhưng không dại gì lấp ló bên trái tim em/ Để ở tù mãn kiếp...Nghe thế, lão Lạng thò tay vỗ vai chú Dành, an ủi:- Đó cũng là việc buồn, nhưng nghe không thủng. Con đường phải tráng nhựa thì đi mới êm. Cố lên. Chú có chất lắm… Khổ!Đột ngột, vói tay bốc cái tách uống trà lớn, lão rót rượu tràn tách, hai tay bưng cung kính ngang mày. Lão nghê nga lớn tiếng bằng chất giọng thầy cúng đất. Một chất giọng đã sọc sạch tình cảm của loài người, bay mùi nhang khói, nghe buốt sống lưng:- Cẩn thỉnh: Đông Phương cù gằm, Nam Phương cù ghì, Tây Phương bạch mao, Bắc Phương cò bay, Trung Phương bá nhãn...Khấn xong, lão cẩn thận đặt tách rượu xuống chiếu, vớ chai rót tách khác, cũng nâng lên cung kính ngang mày, giọng lạnh như nước đá:- Lại mời: Ma chăm, ma chợ, ma mọi, ma rợ... Lại mời: Chúa lồi, chúa lạc, chúa đất, chúa cát, chúa miếu, chúa hang...Xong, lão đặt tách rượu xuống chiếu, giọng trở lại chất người:- Sa đà thơ rượu ban đêm, phải mời họ. Họ đến nghe thơ đông lắm!Chú Dành giật mình, mắt láo liêng ngó quanh:- Anh lẽ ra phải mời họ trước. Giờ đã sang chai thứ ba rồi.- Khổ. Ta quên… Nhưng không sao. Có lòng là được. Nhất niệm thông tam giới – Lão “khạc khạc” rồi ngâm: -Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Chẳng vì rét mướt bỏ mùa đông/ Về viễn phố ngư ông gác mái/ Khói mây khắp chốn quỷ ma đầy...Chú Dành lại khóc thút thít, kéo vạt áo lau nước mắt:- Quá buồn! Buồn vô chừng kể! À... Cháu nhớ có lần lão Phồn xóm Đông bảo là... bác ngâm thơ Liên Hợp Quốc.Nghe vậy, lão Lạng đập mạnh tay xuống chiếu, xẵng giọng:- Cái lão già ấy, đất sắp ăn đến nơi rồi, vẫn chưa thành người! Còn ở giai đoạn bò sát! Chú mày có biết con ong không?- Có biết.- Mỗi hoa nó hút một tí, rồi ngào lại thành mật. Rắn mối có làm được như vậy không?- Cháu hiểu rồi. Bác như con ong ấy. Lão Phồn như con rắn mối ấy.Khuôn mặt lão Lạng nở ra, mũi phồng lên, lão cười sặc sặc, lớn giọng ngâm:- Áo xanh tóc bạc già rồi/ Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui/ Vinh hoa bỏ lúc phong trần/ Muôn chung nghìn tứ ắt là có nhau...Cả hai lại nâng cốc. Chú Dành lại khóc. Chú đã khóc quá nhiều, nên muốn chuyển hướùng để nghỉ giải lao:- À, ở trong rừng sâu có văn minh gì không bác?- Ối dào! Càng sâu vào rừng già, càng hiện đại hơn.- Bác lại đùa.- Không. Nghiêm túc đấy. Nè, đeo cà vạt là Tây chứ gì?- Vâng.- Vậy mà, giữa rừng già, họ đeo đến hai cái dưới háng. Trước cái, sau cái, sặc sỡ mê hồn…Nghe thế, chú Dành cười há, phun thịt nai ra chiếu. Chú đề nghị:- Cháu chạy về nhà, bê nồi cá kho sang nhé?- Được... Được... Cuốn rèm không cuốn ánh trăn / Phủi bàn không phủi ánh vàng tương tư/ Còn chi nữa cánh hoa tàn/ Tơ lòng đã dứt dây đàn tiếu lân...Chú Dành ngồi nán lại để khóc. Khóc xong, chú đứng dậy, chạy về nhà. Chú chạy nhanh vì Thơ đuổi theo... “Chữ ta ta đã thuộc làu/ Nhớ cô hàng xén ruột đau nghẹn ngào...” Thơ cứ vướng vào chân và chú Dành té ngã. Chú nằm đấy khóc luôn. Chú căng tai, chú thì thầm: “Ôi nghe văng vẳng, thơ càng thấm hơn”….
Ngô Phan Lưu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét