21 thg 6, 2009

BỒNG LAI TRẦN THẾ




Xem bộ phim “ Đạo và Lan ” kịch bản -đạo diễn của tác giả Thanh Hưng đài truyền hình Việt nam khu vực Phú yên, vừa đoạt huy chương bạc liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2009 . Phải nói rằng trong cuộc sống của chúng ta có quá nhiều điều bất ngờ và thú vị. Phim dựng lên hình ảnh Đạo luôn đi với đời. Đời không là bể khổ, trần ai, bi luỵ như triết lý của giáo lý nhà phật mà đời luôn vận hành tốt xấu, thiện ác do chính bàn tay, khối óc con người tạo ra.
Giữa thành phố ngàn hoa có một vị sư chơn tu. Cuộc đời ông từ bé lớn lên với nhiều nỗi bất hạnh,gian truân . Ông đã vượt qua nhiều cay đắng, phong ba,bão táp để tìm lại chính mình đó là hoà thượng Thích Huệ Đăng.
Trong cuộc sống đời thường, đại đai số người tu hành đều ăn chay, đọc kinh, niệm phật. Quanh năm, suốt tháng ở chốn thiền môn. Lánh xa trần thế, chốn thi phi. Họ sống được nhờ vào của bố thí, sức đóng góp của đạo hữu, nhưng ở đây hoà thượng Thích Huệ Đăng thì khác. Trên bước đường tu hành của mình ông luôn nhận thức trong tâm khảm “muốn có được pháp định không phải tụng kinh, niệm phật tuỳ chú, ngồi thiền mà phải vận hành nhập thế vào đời với quy luật của vạn vật ”. Tư tưởng lớn nhất của ông đem trí tuệ của nhà phật vào cuộc sống.
Bôn ba khắp nơi cuối cùng hoà thượng Thích Huệ Đăng dừng chân vùng núi La Bá - thuộc huyện Đơn Dương - Tỉnh Lâm Đồng. Từ đây ông hoà mình vào thiên nhiên hoa lá. Phim chỉ có hoa và hoa, nhưng nó có sức cuốn hút đến kỳ lạ. Không biết duyên nợ thế nào mà từ 1980 đến nay Thích Huệ Đăng đã chắt chiu, sưu tầm, nghiên cứu, phát triển loài địa lan hay còn gọi vương giả chi lan đến quên ăn, quên ngủ . Hoa không chỉ có vẻ đẹp vương giả mà việc chăm sóc cho lan được nở hoa nó đòi hỏi lắm công phu thời gian và tiền bạc.
Ban đầu với chỉ 5000 mét vuông đất bỏ hoang, ô nhiễm nặng bên bến xe khách của Đà Lạt, vậy mà qua bàn tay lao động cần cù của thầy trò Thích Huệ Đăng loài địa lan vương giả nhanh chóng bén rễ, khoe sắc hương khi mỗi độ xuân về . Để thực hiện ước mơ của mình hoà thượng Thích Huệ Đăng lấy ngắn nuôi dài bằng cách trồng thêm Hồng môn bán để kiếm tiền trang trải chi phí phân bón cho địa lan, và cho chi tiêu khác. Chính nhờ nguồn thu này thầy trò ông không lệ thuộc vào tiền cúng dường của phật tử. Ông đã tự hứa với lòng mình rằng dù có đi tu thành phật đi nữa cũng phải lao động nuôi sống bản thân. Đó mới chính là nhập thế của đạo phật.
Qua năm tháng thăng trầm cùng mưa nắng, đến bây giờ công ty hoa lan Thanh Quang do Thích Huệ Đăng làm giám đốc đã cai quản hơn 40 nghìn chậu địa lan các loại. Một con số thực, không phải ảo ảnh tô vẽ . Con số mà giới chơi lan chuyên nghiệp cũng phải cuối đầu, bái phục, kính nể . Nhiều năm trôi qua thầy trò ông bất chấp lời thị phi đem hoa vào thành phố Hồ chí Minh triển lãm, đồng thời bán cho du khách. Năm nào lan cũng bán sạch, thu về vài trăm triệu đồng. Nhiều khách đến muộn không có hoa để bán. Khi lặn lội ở Thành phố ăn sương nằm đất. Thích Huệ Đăng khẳng khái một điều“ Đi tu mà còn góp phần làm đẹp cho đời đó mới là đạo hạnh chân tu . Tu cũng phải sống. Sống không nhờ người khác. Đồng tiền làm ra đừng để mất tâm, phải sử dụng đúng tâm .Đời không đạo lấy gì mà sửa, đạo không đời biết sửa với ai… ?”
Nhìn hoà thượng Thích Huệ Đăng với các đệ tử của ông giữa ngút ngàn hoa lan khoe sắc. Còn gì thư thái, thanh thản cho bằng. Đây đâu có khác gì chốn bồng lai tiên cảnh. Tôi có cảm giác hình như tâm tư, sắc mặt, con người họ đã đạt tới cảnh giới hư không. Và đặc biệt có một điều ai cũng phải trầm trồ, thán phục, diệu kỳ về sức làm việc của hoà thượng Thích Huệ Đăng . Việc làm của ông là vô hạn. Ban ngày nhìn ông như một nông dân thực thụ. Khi đêm về ông lại ngồi bên dưới ánh đèn nghiên cứu,luận kinh, viết sách, ông cho rằng “ người sống phải có trí tuệ, kiến thức mới làm giàu vật chất và cả tinh thần ”. Với quan điểm đó ông đã dạy cho đệ tử mình nghe giảng giải, ghi âm,biên tập, xuất bản sách. Muốn có sách phải trồng lan kiếm tiền . Có tiền nuôi mình, lại đi viết sách rồi thuyết giảng trong và ngoài nước. Đến nay sách của ông đã hoàn thành với 21 bộ luận kinh dài hơn 8000 trang. Trong đó có những bộ dùng để dạy tại các trường phật học trong nước hoặc đi thuyết giảng ở các nước Mỹ, Pháp, Hà Lan… như bộ luận giảng Kinh Lăng Già ; Kinh Lăng Nghiêm ; Kinh Chư Ma Cật; những bước thăng trầm của Bồ Tát đạo. Các bộ sách này đều do nhà xuất bản tôn giáo ấn hành . Sách không bán, ông chỉ tặng cho phật tử ở các chùa vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tu tập phật pháp.
Trước năm 1975, hoà thượng Thích Huệ Đăng tu tại gia. Năm 1976, ông xuất gia tu tập với Hòa thượng Thích Huệ Thành chùa Long Thành, Đồng Nai. Năm 1978, ông thọ giới sa di rồi lên núi Cấm, Châu Đốc, An Giang. Năm 1980 xuống núi tìm thầy học đạo. Năm 1984 thọ giới Tỳ Kheo rồi lên núi La Bá - Đơn Dương tu tập 3 năm. Năm 1987 về Đà Lạt trồng lan để kiếm tiền tiếp tục con đường tu tập. Năm 1994, ông tham dự khóa giảng sư hoằng pháp TW. Năm 1997 tốt nghiệp và 2 năm sau đó nhờ tiền bán lan ông tiếp tục du học về Phật học ở Ấn Độ. Năm 2001, ông tham gia khóa cao cấp giảng sư do TW GHPGVN tổ chức và hiện là Giảng sư cao cấp, ủy viên Ban Hoằng pháp TW GHPGVN. Ông thường nói: hành đạo mà chẳng giúp ích gì cho đời thì thật là vô nghĩa, hành đạo không thể xa rời thực tế. Bởi đạo Phật là đạo của con người, từ chơn tâm con người mà ra, nếu không có con người thì làm sao có đạo Phật. Muốn hiện thực được đạo thì phải nơi người tự chứng. Và ông đã tự chứng được điều mình nói: muốn hành thì trước hết phải học.Tuy cao tuổi, nhưng ngoài việc tu tập Phật học, từ năm 1994-1997, mỗi năm mấy đợt ông đón xe đò về TP.HCM vào đại học nông lâm xin làm sinh viên dự thính để có kiến thức về nuôi cấy mô, về kỹ thuật trồng lan. Học đến đâu ông hành đến đó theo phương châm mà mình đã định.
Viết sách trồng lan. Trồng lan viết sách là hai thực thể khác nhau nhưng nó được thầy trò Thích Huệ Đăng xâu chuỗi hoà quyện, tạo thành sắc thái riêng tư. Tiền thầy trò ông kiếm được tích luỹ, tích luỹ gần mười tỷ đồng đã và đang đổ vào một dự án vườn địa lan tầm cỡ bên bờ Hồ Tuyền Lâm thơ mộng . Đây là công trình không chỉ sản xuất mà còn quảng bá địa lan Đà Lạt với văn hoá phật giáo Việt Nam ra thế giới qua con đường du lịch.
Cuối phim nhìn thầy trò hoà thượng Thích Huệ Đăng mãn nguyện, chiêm nghiệm bên vườn lan với hơn 100 nghìn chậu đủ loại sắc mầu. Lại một lần nữa tôi như mơ đi giữa rừng lan Đà lạt . Ở đó tôi thấy mình không còn vướng chút bụi trần, bay bổng trên loài hoa vương giả mà hàng ngày các nàng gió,cùng tiên nữ góp hết hương hoa mang về sự bình yên, thanh tịnh cho thầy trò Thích Huệ Đăng đang an toạ chốn bồng lai trần thế./.