27 thg 5, 2009

LỄ TRAO GIẢI " MỘT CHUYẾN ĐI "


Vào hồi 15h30, ngày 27/5/2009 lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi viết "Một chuyến đi" chính thức bắt đầu. Đến dự buổi lễ ngoài Ban giám khảo còn có ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Sự có mặt đông đảo của các thí sinh, nhà báo, bạn đọc của Thể thao và Văn hóa đã khiến hội trường nóng ngay từ những giây phút đầu tiên.
Thư ngỏ của Ban tổ chức:
Sau chưa đầy 3 tháng phát động (từ 16/2 – 30/4/2009), Cuộc thi viết mang tên “Một chuyến đi” - do báo Thể thao & Văn hóa phối hợp tổ chức cùng với Kênh truyền hình Let’s Việt - VTC9 và Hội Nhà văn Hà Nội trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm tròn 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và Đại sứ quán Thụy Điển - đã nhận được hơn 1200 bài dự thi gửi đến từ mọi miền đất nước, và từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, như từ Czech, Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc… Cuộc thi đã tạo nên một sức hút bất ngờ với số lượng bài dự thi vượt ngoài mong đợi, cho nên BTC phải tiến hành một quá trình sàng lọc lâu dài, qua nhiều bước, và nhiều vòng chấm, đến hôm nay - sau gần 1 tháng hết hạn nhận bài – BTC Cuộc thi mới có thể tổ chức buổi lễ này để công bố kết quả và trao các giải thưởng của Cuộc thi.Thành công của cuộc thi trước hết là ở đề tài hết sức rộng mở và thú vị: Bài dự thi không hạn chế về thể loại: đó có thể là một chuyện kể, một ghi chép, ước mơ, hoặc trải nghiệm của bạn về một chuyến đi; đó có thể là một cuộc phiêu lưu, một ấn tượng mạnh mẽ, hay một nhận thức sâu sắc từ những điều tưởng chừng đã cũ; đó có thể là một chuyến đi thú vị hay một chuyến đi tồi tệ mà bạn không thể quên… Chính sự khơi gợi rộng mở đó của đề tài mà kết quả thu được không chỉ là một chuyến đi mà hơn một ngàn chuyến đi khác nhau: Có những chuyến đi xa xôi như lạc trong hoang mạc Sahara hay chinh phục nóc nhà thế giới. Nhưng cũng có những chuyến đi từ trong nhà ra ngõ, đi dự một đám tang, hoặc oái oăm như đi mang giấy ly hôn của chính mình cho chồng… Có những chuyến đi trong tâm tưởng như đi đến cánh đồng muối trắng qua những bức ảnh, hay chuyến đi thăm Sài Gòn qua những trang sách.. Lại có chuyến đi lạ kỳ là trở về nhà hộ sinh nơi mình sinh ra... Trong cả ngàn chuyến đi ấy có những chuyến đi vô cùng ngắn ngủi nhưng lại chứa đựng cả cuộc đời, và nhận ra chân lý của cuộc sống. Đúng như một tác giả dự thi đã viết: “Một chuyến đi có thể làm ta thay đổi thói quen sinh hoạt, sống đơn giản hơn, thậm chí biến thành người khác. Mỗi bước chân là một bước thiền, cho phép ta bình tâm suy nghĩ về cuộc đời. Hành lý lên đường là hành trang vào đời, tham lam ôm đồm sẽ không đi xa được…. Nhưng phần hay nhất của câu chuyện còn ở dưới đáy lọ mực, kỳ thú của cuộc hành trình đang đợi kẻ lữ hành nơi chân trời trước mặt”.

Từ hơn 1200 bài từ khắp nơi gửi về, Ban Sơ khảo đã chọn được 100 bài viết có chất lượng chuyển lên Hội đồng Chung khảo. Hội đồng đã sàng lọc nhiều lần và đề cử vào vòng chấm giải 45 bài. Tiếp theo, 13 bài trong số này lại được đề cử để tranh giải chính thức. Kết quả là 6 tác phẩm đoạt giải thưởng chính thức của cuộc thi viết Một chuyến đi, 20 tác phẩm đoạt giải Chuyến đi đáng nhớ. Bên cạnh đó là một giải thưởng chính thức qua bình chọn trên mạng. Ngoài ra, còn có 10 giải “Tác giả ấn tượng” do Let’s Việt – VTC9 trao tặng; cùng các giải Comment hay…Cụ thể, cuộc thi không có giải Nhất; 3 giải Nhì thuộc về các bài “Bước một bước và bài học để đời về lòng tự tôn dân tộc” của Vũ Thị Huyền Trang; Không có chân – chị vẫn đi của Thái Việt; Một chuyến đưa tang của Phạm Hải Quyền. 4 giải Ba thuộc về: Những chuyến xe đêm của Nguyễn Quốc Bửu; Chuyến đi bão táp của Thanh Hà; Biết mấy đau thương của Hải Sơn; Hứa với nhân vật của Yên Khương (Trong đó giải Ba Hứa với nhân vật là do kết quả bình chọn qua mạng của cộng đồng kết hợp với đánh giá của Hội đồng chung khảo). Chi tiết đánh giá về các tác phẩm đoạt giải xin xem Báo cáo của Hội đồng chung khảo. Như vậy, so với hệ thống giải thưởng đề ra ban đầu (01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba) thì đã thiếu vắng giải Nhất, nhưng lại tăng thêm 1 giải Nhì và 1 giải Ba. Điều này phản ánh thực chất chất lượng của các bài dự thi.Nhà văn Hồ Anh Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng chung khảo nhận xét: “Cuộc thi viết Một chuyến đi đã khép lại, nhưng với những người viết và với tất cả chúng ta, phía trước lại mở ra những hành trình tiếp nối. Cũng có thể từ đây, những bài viết về các chuyến đi, hấp dẫn hơn, kỳ thú hơn, sẽ tiếp tục được gửi về, tạo dựng mối quan hệ tương tác giữa người viết với người đọc, giữa người viết với nhau, trên trang giấy và cả trên trang mạng, làm giàu thêm cho đời sống báo chí và đời sống của mỗi người”.
Danh sách các bài đoạt giải:Không có giải nhất. Ba giải nhì:-
Bước một bước và bài học để đời- Không có chân - Chị vẫn đi- Một chuyến đưa tang (Thư tay).Ba giải ba:- Biết mấy đau thương?- Chuyến đi bão táp- Những chuyến xe đêm .
Nguồn Báo Thể thao văn Hoá

23 thg 5, 2009

HƯ KHÔNG


Đã hơn tháng có lẻ, hầu hết làng xóm trên tuyến đường Năm dài hơn mười cây số ai cũng quen mặt thầy. Người thì bảo thầy là Hoà Thượng từ phương nam ra, kẻ nói ông từ phương bắc vào. Tóm lại chả ai biết thầy ở xứ nào ? Hàng ngày thầy khất thực đúng giờ. Đến nhà nào cho gì ăn nấy. Chủ yếu cơm trắng, muối hầm, muối mè. Ông không lấy tiền , gạo của bố thí mặc dù tấm lòng hảo tâm của mọi người là thành thật. Đêm thầy nghỉ tạm tại chùa Thanh Long. Chiếc áo Cà sa của thầy bạc thếch, nhưng sạch sẽ, tươm tất. Ai cũng nhận xét thầy rất lạ, hình như tâm tư có gì đó không ổn . Đôi mắt đăm chiêu, xa xăm, ẩn chứa nhiều nỗi ẩn khuất . Gương mặt phảng phất phiền muộn dấu kín dưới vầng trán nhăn nheo, nhưng đôn hậu, nhân từ.
Mùa hè nắng nóng hầm hập như thiêu đốt, thầy vẫn đi đều . Có hôm nửa đêm thầy mới về chùa. Sáng sớm lại đi . Chuyện khất thực thầy thấy âu lo, với lời trình tự thăm hỏi nhân gian chẳng thấm vào đâu.
- Mô phật ! Xin hỏi thí chủ ở đây lâu đời, có biết một con đường làng từ bờ kênh đi vào khoảng năm trăm mét, có ba cây Duối thẳng hàng trước mặt một ngôi nhà tranh vách đất, đã đổ nát ?
- Bạch thầy ! Chịu , đường làng từ kênh vào xóm thì nhiều, mà ba cây Duối thì không . Người đàn ông lắc đầu, bỏ đi.
- Mô phật ! Mô phật !... Câu hỏi trên lập đi , lập lại nhiều người . Họ thông cảm, chia xẻ. Chả một ai biết nguồn gốc ba cây Duối. Thầy hỏi để làm gì ? Tìm người thân, người quen hay điều gì đó ? Cám ơn ! Cám ơn ! Mô phật …Cứ thế thầy tìm, kiên trì . Tìm trong sự huyền bí . Có người thương thầy mách bảo, đến chính quyền hỏi xem sao ?
- Thầy độ lượng đáp : Chiến tranh kết thúc hơn ba mươi năm, lớp trẻ bây giờ không biết. Tôi đã thăm dò. Chỉ có các cụ già, các bậc cao niên mới có thể .
Làng xóm đổi thay nhiều quá, đâu còn cảnh nhà tranh vách đất. Tất cả đều mái ngói đỏ tươi . Có nơi biệt thự, nhà đúc. Mơ hồ mộng mị . Không sao ! Phật pháp vô biên, cứ tìm trong tuyệt vọng. Sự bền bỉ biết đâu sẽ có ngày đền đáp. Thầy âm thầm với niềm tin mãnh liệt . Sự huyền bí kia cứ nhích dần, nhích dần vào bóng tối. Rồi vầng thái dương nhợt nhạt hé mở xa từ phía chân trời .Thầy lang thang vào cõi u mê. Một công đôi việc, tu luyện đạo hạnh, tìm ra chân lý. Trong u mê có ánh sáng. Trong ánh sáng có nhân-quả, thiện-ác. Tâm tưởng thầy dằn xé, dữ dội, chao đảo, nghiêng ngả…có lẽ thầy còn nặng nợ trần thế cần phải trả chăng ?
Chiều nay Thầy dừng lại rất lâu bên lều chợ Mỹ Thạnh. Một cụ già ăn xin quần áo rách tả tơi, tóc bạc trắng như cước nằm ngủ trên chiếc sạp tre. Chờ lão tỉnh giấc, thầy đến bên từ tốn :
- Thưa cụ ! Xin hỏi cụ là người gốc xứ này ?
- Ừ ! Tui dân chính gốc. Chắc thầy tìm người quen ? Lão già vừa nói, vừa ngáp ngủ . Không đáp lời,thầy hỏi tiếp :
- Chắc cụ biết , xưa kia có ngôi nhà tranh đổ nát, trước mặt tiền có ba cây Duối thẳng hàng…hỏi đến đây, mắt lão gìa ăn xin ăn ngạc nhiên tột đỉnh. Mặt đang tươi tắn phút chốc chùng xuống nhăn nhó, thay đổi liên tục. Hàng lông mi muối tiêu dài quá cỡ cứ giần giật, giần giật.
- Bẩm thầy ! Ngôi nhà đó là của người em họ tui, ông đó bây giờ là người giàu có nhất làng. Ba cây Duối thầy hỏi, người ta hạ lâu rồi, hạ từ thời còn bao cấp. Ngôi nhà tranh thầy hỏi, giờ là trại li tâm đường cát, trước mặt ngôi biệt thự ba tầng.
- Cám ơn thí chủ, xin người chỉ dẫn đến nơi.
- Mời thầy theo tôi ! Nhưng nói trước tui không vào. Lão ăn xin đứng dậy bước đi thong thả…
*****************

Ngày mới nhanh hơn. Đúng giờ thìn, thầy trịnh trọng bước vào nhà ông Bảy Mân. Thầy đứng phía thềm sân, hai tay chắp xá. Mắt thỉnh thoảng liếc nhìn về hướng trại ly tâm đường. Vợ chồng già Mân, đon đả mời thầy. Thầy nghiêng người kính cẩn :
- Thưa nhị vị gia chủ cho phép bần tăng có đôi lời tường trần.
- Dạ ! Thầy cứ dạy, chúng tôi không khách sáo. Việc quan trọng không thầy ?
- Chẳng dấu gì hai cụ, tháng ba năm 1975, khi chính quyền Sài Gòn – Tây Nguyên thất thủ, tôi dắt vợ và bốn người con di tản. Cũng vì nghe lời kẻ xấu, bỏ nhà ra đi, loạn lạc giữa chốn bom rơi, đạn nổ , vợ tôi không may xấu số chết trên tuyến đường Năm, thuộc vùng Lạc Mỹ. Khi đưa con chạy đến làng Mỹ Thạnh, tôi vội vã chôn hai chiếc ú vàng tại nhà gia chủ. Lúc chôn có cây ổi đã già, cằn cỗi. Bên cạnh ngôi nhà tranh vách đất .Nhìn từ nhà ra đường có ba cây Duối, tôi đã làm dấu. Giờ mọi vật đổi thay, tôi đã nhiều lần tìm kiếm, tưởng chừng lực kiệt hơi tàn, cũng may còn hai chiếc ú là nhân chứng . Nói một mạch thầy dựng lại, uống hớp trà lấy hơi, kể tiếp :
- Thưa hai cụ,tài sản cả đời tích góp,120 lượng vàng là quá lớn. Mỗi ú tôi đựng 60 lượng . Thôi thì do hoàn cảnh chiến tranh, ông bà nhặt được nhờ , tôi chỉ xin hai cụ cho lại một ít, để về lo cho các con. Hiện nay chúng nó khổ quá. Tôi ân hận cả một đời nên mới đi tu, nhưng nghĩ thương các con không làm gì giúp được.
- Bẩm thầy ! Già Mân có vẻ hơi chột dạ, đứng dậy : Đúng như lời thầy nói , ở xưởng đường ly tâm của nhà tôi hiện có hai chiếc ú đựng muối, nhưng khi tàn chiến tranh gia đình tôi về làng hai chiếc ú đã nằm sẵn lăn lông lốc. Chả thấy vàng đâu . Vàng mắt thì có, bà vợ chen vào.
- Thưa gia chủ ! Trước khi vào đây bần tăng đã tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình hai cụ. Có lẽ hai cụ kiếp trước ăn ở hiền lành, tạo phước, nên kiếp này được của . Tiền, vàng vật chất như của phù du, rồi tất cả sẽ trở thành cát bụi . Bần tăng đã cạn lời, nhị vị gia chủ không có lòng thiện tâm, coi chừng gây nghiệp chướng cho con cháu.
-Hoang đường ! Tự xưng thầy tu ở đâu bỗng dưng vào nhà kiếm cớ xin vàng, láo toét ,biến khỏi nhà cho tôi nhờ . Con trai cả của cụ bảy Mân xuất hiện lớn tiếng xua đuổi.
- Thiện tai ! Thiện tai !!! Đừng xúc xiểm, nhục mạ người khác coi chừng báo ứng, Bần tăng đến với tấm lòng thành, mà gia đình từ chối thì bần tăng đi dây. Dứt lời thầy niệm phật quay gót, mặt ửng đỏ rần rật, rần rật…
Chiều và tối đêm đó, trời nổi giông mưa như trút, gió lớn quật từng cơn. Người đi đường thấy Thầy đứng dưới gốc cây Gòn mắt hướng về phía nhà bảy Mân, miệng lâm râm điều gì ai mà biết được. Mặt mưa gió, đêm tối, quần áo ướt tả tơi, thầy hết đứng rồi ngồi, hết ngồi lại đứng . Gần hai giờ sáng thì trời quan, mây tạnh . Từ phía nhà già Mân, tiếng khóc la inh ỏi, rinh cả xóm làng . Lão già ăn xin chạy đi, chạy lại, miệng hô hoán như chiếc loa phát thanh, làm cả làng ai cũng bật dậy :
- Vợ chồng bảy Mân ăn ở thất đức, tai hoạ ấp đến cho con cháu rồi bà con ơi !! Mười hai giờ đêm qua, hai đứa cháu nội trai, con cậu cả đi tiểu ở nhà xưởng đường li tâm, lúc trời mưa lớn đổ nguyên cả giàn tôn, một cậu chết ngay tại chỗ, còn cậu kia bị trọng thương đang đưa cấp cứu bệnh viện . Thật đáng thương tâm . Như vậy quả báo còn gì, đáng đời vợ chồng thằng Mân, quân mất dạy. Mình là thằng anh con bác ruột của nó, gia tộc sa cơ lỡ vận . Vàng nó lượm được đầy hũ, không cưu mang, giúp đỡ, còn cười cợt, xem thằng anh nó từng ngày phải ăn xin. Không biết nhìn bà con lối xóm, nó có đau lòng ? Ngày xưa tản cư, chạy giặc gia đình nó nghèo kiết xác,chạy xe ôm kiếm sống từng đồng, thỉnh thoảng mình vẫn ghé cho bao gạo, giờ giàu có nhờ của thiên hạ, dóc phách, chả coi ai ra gì . Sống phải có trước, có sau mới bền. Chứng cứ rành rành, cả làng Mỹ Thạnh ai không biết già Mân được vàng . Sự xuất hiện của lão hoà thượng, với lời bàn tán xôn xao, người đời nguyền rủa ông Mân là quân thất nhân, thất đức. Lòng tham con người vô đáy. Hơn trăm cây vàng, cho lại người ta ít cây, bõ bèn gì . Vậy mà cả gia đình cứ dửng dưng, xua đuổi lão hoà thượng, khi thầy đã cạn kiệt từ ngữ. Đúng là quả báo, quả báo !!!
Mờ đất, đứa cháu nội cấp cứu bệnh viện, cũng đã qua đời vì vết thương quá nặng. Già Mân, ngồi đó như pho tượng sụp đổ, nghe dưới chân đất sạt lở,từng mảng, từng mảng. Vợ chồng cậu cả ngất lên, lịm xuống từng đợt, từng đợt . Bà con làng xóm lời ra, lời vào, khuyên gia đình nên mời lão hoà thượng đến tụng niệm cho hai cháu siêu thoát, và gửi lại thầy ít lượng vàng cũng như mình tạ lỗi, sám hối . Nghe nói thế, cậu cả trừng mắt, sừng cồ thét lớn :
- Vàng bạc gì ở đây ! Toàn nghe những lời đồn nhảm nhí
- Thôi đi con ! Vợ bảy Mân dịu giọng . Hãy cầu nguyện cho gia đình yên bình, không biết còn chuyện gì xảy ra nữa đây ? Chuyện đó để mẹ lo. Con không được xúc phạm bề trên.
Bàn đi tính lại mãi, trời sáng hẳn. Già Mân đội chiếc mũ, dắt xe nổ máy. Đi đâu cho xa. Mới ra khỏi nhà, lão sững sờ dậm thắng xe. Trời ơi ! Lão hoà thượng ngồi tựa gốc cây Gòn,hai chân xếp bằng, hai tay để trên bắp vế, mắt nhắm nghiền bình thản, không cựa quậy nhúc nhích. Già Mân hoảng quá chạy xe ù lên Uỷ ban báo cáo chính quyền . Mười phút sau, đồng chí chủ tịch xã ,trưởng công an xã, và đại diện ban trị sự chùa Thanh Long có mặt hiện trường. Không còn nghi ngờ gì nữa, thầy đã viên tịch. Viên tịch trong niềm u uất . Anh chủ tịch xã đến bên cạnh nhìn kỹ, cầm bàn tay nhấc thử, bất ngờ từ trong lòng thầy, rớt ra chiếc bọc vải. Mọi người vội vã mở xem .Giấy chứng minh thư, giấy chứng nhận pháp danh :“ Lê Nguyên Hưng – sinh năm 1941, Đại Đức – Thích Hư Không. Chỗ ở hiện nay : Khánh Vĩnh – Khánh Hoà . Cuối cùng là bức thư, dài hai trang, viết bằng bút bi, giấy học trò . Thầy tám Đức chùa Thanh Long đeo kính chữ, đọc to cho già Mân nghe, ai có mặt cũng không cầm được nước mắt .
Mỹ Thạnh ngày……
Cha gửi các con !

Thế là ước nguyện cuối cùng của cha đối với các con cũng không thành hiện thực.Hơn ba muơi năm trôi qua dù ở chốn thiền môn, nhưng không đêm nào yên tịnh. Hễ nhắm lại thấy mẹ của các con, tươi cười niềm nở. Bà nhẹ nhàng, độ lượng, luôn chịu phần thiệt thòi về mình, làm thầy cảm thấy ray rứt, nhức nhối. Cha đã đẩy vợ vào chỗ chết.Các con bần hàn, cực khổ, điêu linh, tha phương cầu thực,kiếm sống từng ngày. Phải chi ngày ấy cha nghe lời mẹ của các con ở lại Tây Nguyên thì ngày nay đâu thấy cảnh chia ly. Tài sản cả một đời, một nắng,hai sương, mồ hôi nước mắt, cha mẹ làm ra,tích luỹ được cũng chỉ để lo cho các con. Nào ngờ trong lúc loạn lạc cha phải gửi nơi trần thế. Một năm sau ngày đất nước thống nhất, cha quay lại tìm. Thiên địa thần linh chứng giám, xóm làng rộng lớn, như bóng chim tăm cá,biết đâu mà lần. Buồn bực, nản chí, tiếc của, cha âm thầm bỏ các con quy y cửa phật. Đây là hành động tội lỗi ,cha tu hành chín kiếp cũng không rửa hết.
Các con yêu quý ! Ngày tháng thoi đưa thầy cầu kinh niệm phật,mong tìm được chút thanh thản, bình yên. Thầy luôn chúc phúc các con tai qua nạn khỏi, làm ăn giàu có. Vậy mà nợ đời cũng không dứt được. Nhìn cảnh, thấy các con đói khổ,từng ngày thầy lại bàng hoàng, và lòng trỗi dậy quyết chí phen này thầy phải tìm được lại hai ú vàng. Trước tạ lỗi với vợ, và sau trả nợ cho các con.
Sự đời không may, hai ú vàng bây giờ đã thuộc về người khác. Thầy cảm thấy không hối tiếc đã bỏ công tìm kiếm. Chỉ tiếc gặp người lòng rỗng tếch, tâm địa hẹp hòi, coi vật chất cao cả thiêng liêng, hơn tình nhân loại. Thật tội nghiệp cho con cháu của họ phải gánh thay quả báo quá đắt .
Chiêm nghiệm gần hết đời người,giờ Thầy thấy lòng nhẹ tênh, không còn vướng bận suy nghĩ điều gì. Tất cả đều trở thành cát bụi. Cửa phật đang đón thầy từng phút, từng giây. Thầy đi đây, mong các con tha thứ cho thầy.
Sau khi thầy viên tịch, Nếu các con có đem xác thầy về thì hoả thiêu, rồi gửi ở chùa Linh Lâm Tự nơi đầu tiên thầy đến. Dưới bức thư này là tên làng, địa chỉ nơi chôn mẹ của các con, hãy đến đó đón bà về quê, hương khói cho ấm cúng gia phong. Gửi lời đến vợ chồng già Mân, tiền của nhặt được cũng sẽ không tồn tại, nếu không biết tu nhân tích đức, và răn dạy con cháu cách làm người. Cuối thư xin chào tạ lỗi đến tất cả đồng bào sinh sống dọc trên tuyến đường Năm thuộc làng Phong – Phú đã giúp tôi tìm lại chính mình. Vĩnh biệt cõi nhân gian ./.

Thầy: Thích Hư Không !Tái bút

Già Mân nghe xong tay chân bủn rủn, ông quỳ mọp trước thân xác đại đức Thích Hư Không vái lia lịa, miệng khẩn cầu xin thầy độ lượng, ngã phật từ bi bỏ quá lỗi lầm mà cha con họ đã xúc phạm tới thầy. Bảy Mân hứa khi các con thầy ra lo tang chế, ông sẽ gửi số vàng còn lại , để lòng được bình an , nếu mai này có chết đi cũng được nhắm mắt xuôi tay . Thầy Tám Đức cùng với ban trị sự đưa xác Thích Hư Không về chùa, chờ các con thầy đến
.

2 thg 5, 2009

KỂ VỀ MỘT CHUYẾN ĐI

VỀ ĐỒNG TÀU
MẬT KHU XƯA CÂU CÁ, CÂU CHÌNH

Tốt nghiệp đại học, nhận công tác và sắp xếp công việc xin thủ trưởng về quê thư giãn . Bốn năm đèn sách,bạn bè mỗi đứa một phương . Ở gia đình hai ngày,ngày thứ ba tôi phóng xe về phía núi. Thật bất ngờ như hẹn trước. Hai ông bạn vong niên tên Triển, Tú ôm chầm lấy tôi , lắc lắc . Phải nói họ già đi trước tuổi, bỡi chất lão nông tri điền thứ thiệt . Sau phút giây hội ngộ, tôi được chiêu đãi một bữa ra trò.Lươn đùm,lươn xào sả ớt , cộng với rượu trắng chưng cất gạo nếp thơm lừng . Tửu lượng của Triển ,Tú như suối nguồn, ào ạt . Hôm đó tôi say quất chỉ cần câu, nhưng trước khi lăn đùng ra chiếu, tôi được hai bạn cho biết, ngày mai đi rừng . Cố mở mắt, tôi hỏi nhè : Đi để làm gì ? Ông Triển bảo: Về mật khu xưa,du lịch . Đồng thời câu cá giải trí, nhất là câu Chình ông sẽ thấy…
Sáu giờ đang ngái ngủ , Triển – Tú đã dậy .Ăn sáng xong cả ba chúng tôi lên đường .Hành trang mang theo chỉ có gạo, muối , bột ngọt, rựa và hai cái xoong to. Tôi thắc mắc: Đi câu cá, câu Chình sao không thấy cần ? Tú từ tốn : Yên trí ! Lưỡi câu, cước đã nằm gọn túi tôi đây, còn cần ở rừng đầy. Lúc đầu xông xáo, hai giờ sau , người tôi đầy mồ hôi, kéo lếch. Triển –Tú thỉnh thoảng phải dừng chờ . Ngồi nghỉ bìa rừng, bạn cho biết: câu Chình núi là công việc kiếm sống hàng ngày. Một con chình bông nặng bốn ký giá 480.000đ . Đi ba ngày nếu kiếm được vài con thì tiền triệu, rủng rẻn tiêu xài . Tất nhiên Chình câu không phải dễ, cực nhọc vất vả và phải có nhiều kinh nghiệm mới thắng .Thêm giờ nữa lọt thủm giữa rừng đại ngàn . Trời ơi ! Thiên nhiên đẹp quá ! Tôi reo lên .Suối nước ầm ầm đổ xuống, trong vắt, mát lạnh.Chim chóc thi đua hót những bài ca bất tận. Đây là căn cứ Đồng Tàu-mật khu xưa của xã Hoà Thịnh - Huyện Tây hoà - Tỉnh Phú Yên. Đạp lên phía tây là suối Đá Bàn thượng, đi về phía nam là suối Đá Bàn hạ. Không còn biết mệt, tôi đê mê, rạo rực . Bạn chỉ cho tôi nhiều dấu tích một thời cha, anh đã nằm gai, nếm mật , gian khổ với cuộc kháng chiến . Điểm ba anh em dừng lại, gần đầu nguồn suối Đá Bàn thượng . Ngửa lưng trên đá nghỉ mệt, nhìn nắng lọt qua kẽ lá , tôi huýt gió bài “ Trường sơn đông, trường sơn tây” khe khẽ. Bạn Triển chặt cây Chà rang làm cần câu cá . Bạn Tú dùng rựa tước dây mây Chà Phun để câu Chình, đồng thời tiện ba khúc gỗ dài mỗi khúc sáu tấc, nắm cỡ lòng bàn tay, đây là công cụ hỗ trợ dần xương sống khi kéo Chình lên khỏi nước.
Phải thừa nhận cá nhiều . Suối nước trong nhìn rõ, câu không cần phao. Mồi để câu là Sâu đá. Chỉ cần bỏ xuống cá ăn ngay, giật lên là dính. Toàn cá Diếc,cá Mã, cá Hà Nhao. Ngồi giật đâu hơn mười lăm phút, chiếc xoong nấu cơm bốn người ăn, đầy ắp . Trời gần trưa, Tú bê nồi cá vừa câu được chuẩn bị đi nấu cơm. Thình lình anh trượt chân lao thẳng xuống đuôi suối. Khoảng cách đâu chừng mười lăm mét, độ dốc tương đối cao. Tôi , Triển chỉ kịp á lên đã nghe một tiếng ầm. Chiếc xoong văng xa, cá bay tung toé. Tú oằn mình trong vũng nước. Cũng may đầu Tú không va vào đá. Tay dập nát hết một ngón .Mình không sao. Hú hồn ! Dùng thuốc lá đắp tạm tay và quấn bằng vải ao lót ,Tú đỡ đau ngồi nghỉ . Tôi, Triển tiếp tục câu , nấu bữa cơm trưa. Chiều hôm đó câu Chình . Chình không ở suối cao,nên ba anh em về suối Bàn Hạ . Dây mây Chà Phun một đầu được cột chặt lưỡi câu sắt to bằng chiếc căm xe đạp. Mồi là một miếng thịt heo kho mặn . Triển quăng dây xuống đoạn suối nuớc chảy lững lờ. Tôi, Tú đứng bên cầm sẵn khúc cây. Hai mươi phút trôi qua . Phựt ! Chình đã đớp mồi. Dây mây căng ra, Triển thả lỏng . Kéo ! Kéo ! Tôi phụ giúp cùng Triển,ưỡng người. Sức mạnh của con Chình quả là đáng nể . Dây mây thâu dần, thâu dần. Đầu con chình ló khỏi mặt nước. Một, hai, ba kéo mạnh. Chình bay lên rớt xuống đất, giãy đành đạch. Tú dần mấy cây bịch bịch, Chình cựa quậy nằm im .Con này cỡ năm ký. Triển ước lượng, rồi bỏ vào bao
Câu Chình thật thú vị , tôi nở nụ cười mãn nguyện. Nguyên cả buổi chiều còn lại không thêm được con nào, hôm sau câu tiếp được hai con . Đêm đó ba anh em ngủ lại ở lán. Rừng về đêm hoang sơ,u tịch .Triển kể cho tôi nghe về nhiều chiến tích, anh dũng hy sinh của những người làm cách mạng , trong đó có nhiều người con gái còn rất trẻ. Tôi nghe hình dung trăn trở mãi, như thấy bên cạnh đâu đây họ đang nhìn chúng tôi mỉm cười.Sau chuyến đi đó tôi về viết bài thơ có tựa đề “Đêm không ngủ ở Đồng Tàu ”dự thi đề tài thương binh liệt sĩ . Kết quả đoạt giải ba . Bài thơ như sau :
Đêm không ngủ ở Đồng Tàu
Trò chuyện với láng rừng sâu thẳm
Nghe nước mắt cay cay
Nâng chén rượu để lòng say
Cùng con người thức trong mây khói
Đêm không ngủ ở Đồng Tàu
Nhắc tình xưa…
Yêu em sao nghẹn lời đăng đắng
Lá cuộn mình xào xạc
Về quá khứ của đạn bom
Về một thời đói cơm –lạt muối
Em ngã xuống
Cả đồng đội bàng hoàng
Khi tuổi xuân còn phơi phới
Đêm không ngủ ở Đồng Tàu
Dò dẫm theo từng con suối
Mấy ai còn nhớ
Đá núi tật nguyền
Nhiều chiến tích ngày xưa không còn nữa
Khi năm tháng dãi dầu
Qua Bàn Hạ
Ngả lưng lên Bàn Thượng
Bỗng sờ thấy tên em khắc vào đá núi ưu tư
Đêm thì thầm trong vô cảm
Hãy thả tên em vào lòng nước
Qua suối vào sông
Hoà quyện với cỏ cây làng xóm
Trôi vào biển cả mênh mông
Tìm về miền ký ức đau thương
Của một thời anh dũng vàng son
Để đêm cùng ai thao thức giữa Đồng Tàu