21 thg 7, 2009

TÌM LẠI DÁNG XƯA


Trở về Tuy Hoà
Một nắng mai lên
Xa xa thuỳ dương tít tắp
Em từng khóc trước những con thuyền
Không hiểu biển
Chuyện tình yêu xưa đầy mật ngọt
Giờ ngổn ngang trăm mối tơ vò

Tuy Hoà ngày về
Mình tôi lang thang không bờ bến
Thành phố sao nhiều chỗ nhớ ?
Ôi nơi nào cũng là mối tơ vương !
Bên quán cà phê Nhạn Tháp
Tìm em đắm sâu vào quá khứ
Bâng khuâng nhìn giọt đắng rơi đều
Ta trầm tư trong mắt biếc
Sợ cô đơn lệ ướt không cầm

Con đường nào ngày xưa ?
Anh đưa em qua
Cát tung mịt mù trắng xoá
Phố mới ghi dấu thay tên
Lấp chân một thời bỏ ngỏ
Để đêm thẳm sâu tóc rối, nhạt nhoà

Con đường nào ngày xưa ?
Anh mòn mõi bên góc tối đợi chờ
Quán nước, cà phê nhiều đôi lứa
Trên Nhớ dưới Thương mà anh lại chọn Tương Tư (*)

Tuy Hoà trở về bất chợt hư không
Biết tìm nơi đâu ? Anh sợ gặp lại dáng hình
Em ! Của một thời thiếu nữ …
Một thời đắm say nhớ nhung giờ là có thật
Cho đến bạt đầu…
----------------------------------------------------------------
Chú thích (*)Quán Nhớ, quán Thương và quán Tương Tư trên đường Nguyễn Huệ

15 thg 7, 2009

THIÊN TÀI PHỐ HUYỆN,hay chuyện tỉnh nhỏ thích ĐAO TO-BÚA LỚN


Hiện nay có một số giới đương chức đang làm báo chí, văn nghệ của tỉnh X rất nể sợ, bằng mọi cách để lấy lòng các vị lãnh đạo văn hóa, không từ thủ đoạn nào, kể cả ton hót, nịnh nọt. Một tác phẩm ký sự viết về biển đảo, thuộc loại tầm thường, như bao bài báo phản ánh khác, vậy mà cũng tâng bốc, cổ súy bình chọn sách hay nhất năm 2008 của tỉnh, trong khi biết bao tác phẩm tầm cỡ quốc gia bị loại. Bởi vì nếu không bình chọn sách của vị đó, hãy coi chừng? Chưa hết có người còn viết ca ngợi tác phẩm của vị lãnh đạo văn hóa kia, rằng tài năng ngang tầm với Tô Hòai, Nguyễn Tuân và ép buộc tờ báo đảng nhất nhất phải đăng. Nhiều người chưa biết tác phẩm viết về biển đảo kia, nếu chỉ đọc bài ca ngợi thì cứ ngỡ giải Nobel Văn Chương sắp từ Thụy Điển bay thẳng về cái tỉnh nhỏ này rồi. Cũng tác phẩm đó, đợt bình chọn giải thưởng báo chí tỉnh X năm 2009, lại được đặc cách lọt thỏm vào vòng chung kết. May sao có hai vị trong ban chung khảo dũng cảm đề nghị loại bỏ tác phẩm đó, vì nó không phù hợp với tiêu chí, điều lệ giải. Vị lãnh đạo văn hóa kia cũng ngồi trong hội đồng chung khảo, đã đỏ mặt tía tai đứng dậy gầm gừ bằng giọng điệu của thiên tài phố huyện: “Tôi xin rút tác phẩm, được chưa, các người hài lòng chưa?”. Ôi, cái câu phân bua lỡ làng và chua xót ấy, cứ ngỡ như có kẻ nhẫn tâm chà đạp ông, không cho vẻ đẹp lấp lánh vĩ nhân của ông được dịp tỏa sáng cùng với quầng hào quang chữ nghĩa chói lọi do ông trầm tích suốt bao nhiêu năm ròng rã!



Ở tỉnh X có một số “nhà thơ, nhà văn lớn”. Tuổi đã gọi bằng cụ. Thơ văn thuộc loại xoàng, nhưng lúc nào cũng cho rằng mình thuộc loại cây đa, cây đề , sẵn sàng phán xét bất cứ ai, nếu có thái độ, quan điểm khác biệt, hoặc… giỏi hơn mình. Họ vặt vãnh, soi mói từng ly, từng tý mọi khía cạnh về đời sống văn hóa, văn nghệ, báo chí của tỉnh X đến độ khôi hài. Từ gián tiếp, đến trực tiếp. Từ vỉa hè-diễn đàn nội bộ, đến diễn đàn chính thống, hay những cuộc họp thông thường nào đó về văn hóa văn nghệ, họ đều có thể đưa ra để áp đặt quan điểm cá nhân. Phê phán một cách kỳ thị, thậm chí còn nhục mạ người khác không có chứng cứ, cơ sở nào.
Những năm qua các tờ báo viết, báo nói, báo hình, tạp chí văn nghệ của tỉnh X có một sự bứt phá về nội dung và nghệ thuật, chất lượng được nâng cao về mọi mặt. Phải nói một tỉnh nhỏ lẻ như tỉnh X, mà được bạn đọc đông đảo tham gia, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân quan tâm trên mặt trận tư tuởng, chứng tỏ đội ngũ những người làm báo họ rất tâm huyết, có nghề, được độc giả tin yêu, ủng hộ. Tuy nhiên trong cuộc sống đời thường, không có gì hoàn hảo toàn diện, cũng còn khiếm khuyết điểm này, mặt kia qua các tác phẩm thơ ca, tản văn, tùy bút…cần phải rút kinh nghiệm, nhưng các cụ “nhà văn nhà thơ lớn” hoặc một vài vị quản lý lĩnh vực báo chí, văn nghệ thì không đơn giản. Họ hùng hùng hổ hổ nâng quan điểm, tuyên bố những sai phạm đó là nghiêm trọng, cần phải kiên quyết xử lý. Dưới con mắt và đầu óc họ những bài thơ, bài văn kia có vấn đề về chính trị , rêu rao các tác giả đó là những thằng phản động, phản cách mạng , tiêu cực…cần phải trừng trị.
Xuất phát từ quan điểm cá nhân, họ bắt đầu công kích, đánh vào các vị lãnh đạo ban biên tập của các tờ báo, đến độ chóng mặt. Với phương châm mưa dầm thấm lâu, nhiều mũi giáp công, rồi các vị lãnh đạo văn hóa của tỉnh X tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa, khẳng định bằng lời lẽ đanh thép, sai phạm của lãnh đạo tờ báo cần có hình thức kỷ luật thích đáng . Khi lãnh đạo tờ báo đưa ra luận điểm chân chính, bảo vệ thì bị cấp trên phán xét , đe nẹt cho rằng sai phạm không nhận khuyết điểm, còn mang tính ăn thua. Bên cạnh đó họ còn can thiệp vào nội dung, công tác tổ chức của tờ báo. Yêu cầu, kiến nghị chuyển người này, đổi người kia. Không được sử dụng bài của cộng tác viên A,B,C…cho dù bài đó có chất lượng tốt đi chăng nữa, thậm chí còn can thiệp thô bạo đến đời tư, không cho quan hệ, gặp gỡ với những người có bài viết đã “vi phạm” kể cả không được đọc, liên hệ với trang web cá nhân . Nói không ngoa đây là những vấn đề được phổ biến bằng văn bản hẳn hoi. Những trang viết với một thái độ hằn học, cay cú, không mang tính xây dựng, hoàn toàn vì thành kiến cá nhân.
Xâu chuỗi sự kiện các bài thơ, bài văn đã có “vấn đề phản động” của tỉnh X cũng đã được các vị lãnh đạo báo chí, tư tưởng văn hóa trung ương, các nhà thơ nối tiếng Việt Nam xem xét kết luận, một cách khách quan, toàn diện. Đừng có mà duy ý chí, tả khuynh trong thời buổi nhạy cảm này. Cần chấm dứt ngay, không bàn cãi, vạch áo cho người xem lưng để văn nghệ sĩ quốc gia này cười cho, cười bằng những nụ cười mỉa mai, ấu trĩ. Thế nhưng đằng sau đó vị lãnh đạo văn hóa của tỉnh X, mang chứng bệnh vĩ cuồng cho rằng đầu óc ta là sáng suốt, cao cả, trên hết. Ông chửi tất tần tật , quan điểm ông lúc nào cũng đúng. Xin lỗi lời nói gió bay. Nếu như bác Vũ Quần Phương, bác Nguyễn Đức Mậu , nhà thơ Thanh Thảo, bác Nguyễn Bắc Son - Phó ban tuyên giáo trung ương …nghe vị lãnh đạo văn hóa tỉnh X kia bảo thủ, cực kỳ bảo thủ chửi sau lưng các bác. Chửi càng, chửi bừa để bảo vệ luận điểm, với lời lẽ khẳng định các bài thơ, bài văn kia phải “có vấn đề ” các bác không ôm bụng cười, cười đái trong quần, thì tôi không phải là người . Hình như ông ta cho rằng, ở tỉnh X chả còn ai, chỉ có mình ông biết bảo vệ những giá trị văn hóa, nghệ thuật ? Không còn từ ngữ diễn tả. Nếu ai mà nghe các “nhà thơ, nhà văn lớn ”, vị lãnh đạo văn hóa tỉnh X kết luận những bài thơ, bài văn “có vấn đề ” không khỏi kinh người . Trong một cuộc hội nghị, học tập nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị , đến phần thảo luận họ đòi bỏ tù chủ nhân của một trang web,vì quá phản động. Yêu cầu phải xử lý kỷ luật ngay tổng biên tập của tờ báo Đảng …Trong khi hùng hồn đao to, búa lớn trước diễn đàn mà chả có chứng cứ nào để mang tính thuyết phục thì thử hỏi làm sao mọi người, tâm phục khẩu phục. Nói gì thì nói, ai sai phạm đến đâu, thì xử lý đến đó. Nếu chủ nhân trang web có phản động, hay các tác giả bài văn, bài thơ thật sự “phản động” thì cũng đã bị các ngành chức năng đưa vào rọ, tóm gọn, xử lý lâu rồi, đâu cần đến các vị phải hao hơi tổn sức.
Sự việc giải quyết các bài thơ, bài văn “có vấn đề ” ở tỉnh X vẫn còn tiếp diễn, chưa ngả ngũ đã làm bạc tóc, nản lòng các vị lãnh đạo và ban biên tập của tờ báo. Một số cộng tác viên đắc lực nản chí anh hùng, thôi không cộng tác, hoặc bị từ chối, tẩy chay bài vở dẫn đến nội dung tờ báo có phần sa sút . Thơ, văn bài nào đưa lên đăng tải báo, tạp chí văn nghệ đều phải cân nhắc trước sau, nội dung rõ ràng như phong trào, cổ động, quảng cáo nếu có chút ẩn ý nào đó coi chừng dễ trở thành “phản động ” dưới con mắt các nhà quản lý văn hóa của tỉnh X.
Hiện nay có một số giới đương chức đang làm báo chí, văn nghệ của tỉnh X rất nể sợ, bằng mọi cách để lấy lòng các vị lãnh đạo văn hóa, không từ thủ đoạn nào (kể cả ton hót, nịnh nọt ). Một tác phẩm ký sự viết về biển đảo, thuộc loại tầm thường, như bao bài báo phản ánh khác, vậy mà cũng tâng bốc, cổ súy bình chọn sách hay nhất năm 2008 của tỉnh, trong khi biết bao tác phẩm tầm cỡ quốc gia bị loại. Bởi vì nếu không bình chọn sách của vị đó, hãy coi chừng? Chưa hết có người còn viết, lăng xê ca ngợi tác phẩm của vị lãnh đạo quản lý về tư tưởng văn hóa kia ,văn phong ngang tầm với Tô Hòai, Nguyễn Tuân buộc tờ báo đảng nhất nhất phải đăng. Lăng xê lấy lòng, mà không biết ngượng mồm, không biết trời cao đất dày là gì, thử hỏi thiên hạ không đàm tiếu sao được? Cũng tác phẩm đó đợt bình chọn giải thưởng báo chí tỉnh X năm 2009, đặt cách lọt thẳng vào vòng chung kết, may sao có hai vị trong ban chung khảo dũng cảm đề nghị loại bỏ tác phẩm đó, vì nó không phù hợp với tiêu chí, điều lệ giải. Hội đồng chung khảo một phe hú vía, thở phào nhẹ nhõm.
Tỉnh X, văn học nghệ thuật, báo chí còn nhiều chuyện phải bàn, nhưng đau đớn nhất là những chuyện nhân tình thế thái. Hễ có “chồi thơ, chồi văn” nào chớm nở vượt trội thì có nguy cơ bị đốn ngay. Cũng có người thơ văn loại xoàng, nhưng được các bác to mồm, phóng đại nên vô tình họ nổi tiếng về mọi phương diện. Xin nhắc lại: phê phán gì thì phê phán, nói gì thì nói nhưng với tinh thần xây dựng, đừng áp đặt thành kiến cá nhân theo kiểu chụp mũ, nâng quan điểm . Đừng dùng sự việc này, việc kia làm cớ để hại người khác. Hại người, hại mình , hãy để cho hậu thế phán xét những bài thơ, bài văn của tỉnh X đã nói trên “có vấn đề ” hay không có vấn đề? Đao to búa lớn như thế là quá đủ rồi. Quá đủ cho những người cầm bút chân chính phân biệt thị phi. Nên nhớ rằng đời người rất ngắn ngủi, mai này chết đi để tiếng thơm lại cho đời, đừng để tiếng xấu muôn người nguyền rủa./.

-VÕ LÂM -

Nguồn trang web Lê Thiếu Nhơn. com