28 thg 2, 2009

LỠ LÀNG


Chiều nay về lại xóm xưa
Hàng tre giếng nước cây dừa còn đâu ?
Giàn trầu phủ lá trên đầu
Em têm môi thắm làm dâu nhà người
Câu ca dao vọng ơ hời
Nắng vàng xơ xác anh ngồi suy tư
Ngày xưa đêm tối sương mù
Đưa em về dưới lời ru sao trời
Em ngây thơ tựa lá rơi
Hồn nhiên khúc khích tiếng cười giòn tan
Một tình yêu trót đa mang
Ai làm tan vỡ, lỡ làng hỡi Chiêu ?
Anh về gửi lại lời yêu
Bông hồng cài áo biết nhiều đau thương
Mây bay về phía con đường
Chỉ còn kỷ niệm vấn vương cõi lòng
Cuộc đời sao mãi long đong
Cầu xin hạnh phúc ở trong nhân tình
Vậy mà người cứ lặng thinh
Em làm anh khổ, bóng hình vỡ tan
Chuyện tình xưa tiếc vô vàn
Ngoảnh đời nhìn lại rơi hàng lệ mi

22 thg 2, 2009

TÂM SỰ CÙNG TUYẾT NGA VÀ BẠN TÔI


Tình cờ đọc “Tuyết Nga một mình góc khuất” của tác giả Bình Nguyên Trang qua trang web Lê Thiếu Nhơn , bỗng dưng có một sự trùng hợp kỳ lạ giữa cuộc đời của người bạn gái tôi với cuộc đời chị . Chỉ có điều bạn gái tôi không làm thơ như chị, nàng bây giờ yên bề trong lĩnh vực kinh doanh. Sống một mình nuôi người con duy nhất trưởng thành . Cảm nhận trước cuộc đời tuy hai mà một xin tặng nữ sĩ Tuyết Nga và bạn tôi bài thơ mới vừa sáng tác bằng sự rung cảm trên cung bậc tình yêu.

HÀNH TRÌNH

Có người đàn bà nhọc nhằn đi về phía sâu thẳm
Nước mắt khô rơi, giờ chảy ngược vào trong
Cả một đời mang trái tim gập ghềnh hạnh phúc
Đánh đổi đau thương bằng nghị lực yếu mềm
Ngày anh tạ từ lẩn khuất vào bóng tối vô cảm
Con trẻ thơ ngây chìa tay xin ánh sáng nụ cười
Em mắt vô hồn quỳ bên cầu người ban phép lạ
Cứ thế ! Thời gian trôi xa trên cuộc hành trình
Người đàn bà ôm con nhiều đêm sợ hãi quá khứ
Vụt đứng lên trong cô đơn mất mát đớn đau
Âm thầm cuồn cuộn như luồng phong ba, bão táp
Bỡi đứa con là niềm tin yêu , nguồn sống tinh thần
Rồi đêm đêm trong ngôi nhà chắt chiu gầy dựng
Nhìn con lớn từng ngày,nở nụ cười thôi héo hắt
Người đàn bà sau nhiều năm vật lộn chính mình
Bỗng dưng chiều nay đi trang điểm hẹn hò
Bước ra nhìn nhân gian đầy ắp màu xanh rất lạ
Những góc khuất của ngày xưa hiện hữu vụt về
Bằng lời thơ tin yêu , quả cảm , tuôn chảy cho đời
Lờ thơ đầy nữ tính chân yếu, tay mềm mà mạnh mẽ
Hạ thuỷ hành trình trong bất hạnh gian nan

19 thg 2, 2009

XIN ĐỪNG PHÁN XÉT VÔ TÂM


Ở Phú Yên có nhiều mẫu chuyện văn chương tầm phào, vô bổ , nhắc đến cười ra nước mắt . Trước đây có các bài thơ “ Ông già ” của Thanh Quế , “ Ngọn cỏ tịch điền ” của Trần sĩ Huệ, tiếp theo “ Nếu không muốn đi hết một con đường ”của Nguyễn Phong Việt tất cả đều đem ra phán xét là những bài thơ có vấn đề về “ chính trị ” . Rồi vụ việc cũng được các cơ quan chức năng vào cuộc, thẩm định đi đến kết luận không có vấn đề gì . Nhưng trước khi kết thúc nghi án văn chương của thơ ca, có không ít chuyện nổi đình, nổi đám, tốn bao giấy mực giới văn nghệ sĩ, làm nản lòng những người cầm bút nhiệt huyết của Phú Yên . Gần đây một sáng mùa xuân, tôi mở email nhận được bức thư của bác Nguyễn Kiến Thiết ( Tức Bảo Nhân )ở Phường 9 – TP Tuy Hoà, nội dung khen chê bài thơ lục bát “ Vọng Làng ” của tác giả Đào Tấn Trực đoạt giải nhất cuộc thi thơ của Phú Yên năm 2008.
Thật ra ở đây, tôi chưa nói đến nội dung bài thơ hay-dở , chỉ nói ở khía cạnh nhân tình và pháp lý trong văn chương. Không biết bác Bảo Nhân có thành kiến gì với Đào Tấn Trực hay không ? Hoặc giả bác có cho rằng Hội đồng chấm giải chung kết cuộc thi thơ chưa thật sự sáng suốt thi cũng không nên xoi mói chuyện vặt vãnh bằng hành động gửi thư khắp nơi, gây tác động tâm lý hậu phán xét, gây phản cảm dư luận. Bác làm như thế được gì ? Trong khi cuộc thi thơ đã kết thúc . Giải đã trao, công luận cũng đã đón nhận . Mọi vấn đề gì đều phải tôn trọng sự thật khách quan . Những năm trước đây các cuộc thi thơ, truyện ngắn của Phú Yên đều do các nhà thơ, nhà văn Phú Yên chấm giải. sau đó có nhiều ý kiến lời ra, lời vào cho rằng họ chấm theo tác giả chứ không theo nội dung sáng tác. Nói gì thì nói cuối cùng cũng phải chấp nhận, tôn trọng hội đồng. Chính vì thế nên cuộc thi thơ lần này Hội liên hiệp VHNT Phú Yên đã chủ động mời nhà văn, nhà thơ của hai tỉnh bạn là Bình Định và Khánh Hoà tham gia hội đồng chung khảo. Hổng lẽ họ cũng chấm theo tác giả nữa sao .
Trong lời thư của bác Nhân nói rằng một số thi hữu Phú Yên ý kiến “ Bài thơ này mà nhất thơ 2008 thì vô tình hạ thấp (chưa đến nỗi hạ nhục ) vùng thơ đất Phú ...” Theo thiển ý của tôi, đây chỉ là suy nghĩ nông cạn của bác. Tôi chưa nghe nhà thơ nào của Phú yên phản ảnh như thế . Nếu có ai đó thì họ là những người vô tâm, tự chửi vào mặt mình . Một bài thơ hay hoặc dở của một cuộc thi đâu có ảnh hưởng gì đến vùng thơ đất Phú . Vô hình dung đi đánh đồng một bài thơ với cả vùng thơ thì thử hỏi các nhà văn, nhà thơ và những người yêu thơ chân chính của Phú Yên khộng sỉ nhục là gì ?
Xin nhắc lại đôi điều về nội dung bài thơ giải nhất . “ Vọng làng ” sáng tác theo thể lục bát, gồm 18 câu . Tác giả hoài niệm ,ký ức về quê hương đồng nội. Tuổi thơ tuyệt đẹp, êm đềm. Chuyện quá khứ có chút ray rứt, nhớ nhung. Đối với câu từ, cú pháp gọn gẽ, hợp lý bao hết hàm ý, trọn vẹn tính nhân văn. Chất thơ đầy tính văn học. Có bốn câu thơ cuối bác Bảo Nhân chê tác giả tự “ đốt lưới nhà ”. “ Mẹ giờ đã hoá mùa thu . Câu ca dao cũ hình như lỡ làng ”. Ông cho rằng ca dao dù có lâu đời đi chăng nữa cũng không bao giờ cũ . Rồi viện dẫn hai câu “ Công cha như núi thái sơn . Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra ”đi đến phân tích kết luận “không lẽ những hoài niệm, có cha sinh mẹ dưỡng đầy ắp kỷ niệm bây giờ lại lỡ làng sao ? Không lẽ trong cơ chế thị trường thì những lời giáo huấn cho con cháu phải biết đến công sinh thành cha mẹ lại lỗi thời ư ? ”.
Xin thưa với bác Nhân rằng có lẽ bác đã hiểu nhầm ý của tác giả về hai câu thơ này. Ca dao cũ ngày xưa mẹ dạy cho con rất nhiều câu, đủ mọi lĩnh vực, chứ không phải như hai câu bác đã dẫn chứng. Chính vì lẽ đó khi tác giả trưởng thành vào đời, còn có nhiều điều thực hiện chưa được trọn vẹn, nên còn ray rứt khi người mẹ đã khuất. Những câu ca dao răn dạy của mẹ ngày xưa, tác giả liên tưởng “hình như lỡ làng ” nhằm mục đích xác nhận lỗi lầm, ân hận điều chưa làm được để tạ lỗi với mẹ . Còn hai câu cuối tiếp theo “ Huơ bàn tay gọi đò sang. Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa ”. Bác Nhân cho rằng thơ tả không thực. Ở Phú Yên làm gì có cổng làng . Tác giả chỉ là con mọt sách . Ông bảo phải ra tận miền bắc mới có cổng làng thực tế . Nói như bác thì thơ ca sáng tác hay làm sao được. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ nhiều nhà văn, nhà thơ đâu có ra trận, chỉ nghe người thân, người yêu, đồng đội kể lại rồi hình dung cảnh vật, diễn biến họ vẫn sáng tác nhiều tác phẩm hay, để đời đâu phải nhất thiết phải có cổng làng thật thơ mới hay như bác nói . Còn nữa ! Bác khẳng định rằng ở Phú Yên không có cổng làng là không đúng . Đến các thôn, buôn trên toàn tỉnh nơi nào cũng có cổng làng hẳn hoi . Cổng để bản hiệu đề chữ : Thôn, buôn văn hoá .... Mặc dù nó không được xây dựng bằng gạch, vòm mái lá hoành tráng như miền bắc, nhưng chúng ta cũng phân biệt được đường vào thôn, buôn bằng chiếc cổng tượng trưng trên có lá quốc kỳ, sao bác mơ hồ đến thế. Nếu có nhìn nhận điều hãy cẩn trọng.
Đầu năm mãn phép tản mạn đôi dòng về câu chuyện văn chương . Thơ ca cốt để làm trong sạch tâm hồn . Xin đừng phán xét vô tâm, điều không cần thiết . Dưới đây được trích trọn vẹn bài thơ của tác giả Đào Tấn Trực, đoạt giải nhất cuộc thi thơ năm 2008.

VỌNG LÀNG

Có đi về phía con đường
Mới xa xóm vắng mới thương quê nghèo
Ngày đi câu hát đi theo
Thị thành mơ mảnh trăng treo vườn nhà

Mười bảy tuổi tạm cách xa
Em toan tính chuyện bước qua lời nguyền
Đất nồng còn một chút duyên
Buộc quê với phố buộc thuyền với sông
Buộc tôi với luống cải ngồng
Bãi bồi ai đắp cho đồng phù sa

Nằm nghe con sóng quê nhà
Một vùng ký ức khói là là bay
Trăng nghiêng xuống ngọn tre gầy
Rạ rơm sương khói quyện đầy lời ru

Mẹ giờ đã hóa mùa thu
Câu ca dao cũ hình như lỡ làng
Huơ bàn tay gọi đò sang
Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa…

11 thg 2, 2009

CÕI ƯU PHIỀN


Chiều xuân mưa chậm phất phơ
Phú Yên có mấy nhà thơ họ Đào ?
Cuộc đời họ thật lao đao
Nằm non lặng biển nuốt vào thời gian
Một Đào Phần khí ngang tàng
Lên bờ xuống ruộng vào hàng bậc trung
Gặp chiến hữu uống tưng bừng
Rượu vào lời ngất phừng phừng tuôn ra
Hai Đào Tuấn thích sa đà
Tửu mờ chả biết ai là đệ huynh
Thơ văn kè sẵn bên mình
Trên trời dưới đất vợ rình kêu ca
Bạn bè vuốt tóc cười hà...
Chén thù chén tạc xin bà nhẹ tay
Ba Đào Trực thích sum vầy
Cô thân độc mã gần đầy bốn mươi
Miền thơ kề cổ bên đời
Tai ương vạ gió tơi bời thiệt đây
Lương –nhuận bút lúc vơi đầy
“Vọng làng ” đọng lại chất đầy buồn tênh
Ba chàng áo mão bồng bềnh
Đầu năm xin chúc tạc nền thi nhân
Ra đường chớ có phân thân
Về nhà kẻo vợ đụng nhầm trái tim
Riêng Đào Trực, đừng yếu mềm
Giai nhân chờ đợi gọng kiềm mùa sau...

5 thg 2, 2009

NGUYÊN TIÊU TRI KỶ


Chào Núi Nhạn, ta về đây như hẹn trước
Trăng đêm nay nghe trời đất giao hoà
Chào nàng thơ ta lại về hội ngộ
Để nói hết nỗi lòng với bè bạn cố hương

Chào một mùa xuân hào khí thiêng liêng
Núi Nhạn – Sông Đà thêm nặng lòng nợ nghĩa
Những dấu ấn của một thời chia xẻ
Đất nước nở hoa lòng mãi sắt son

Ta đứng đây nhìn sảng khoái tứ phương
Khép nép tình thơ trọn lời thề hẹn
Như dòng chảy suối nguồn ào ạt
Kìa tri âm bẽn lẽn ánh trăng tà

Chào thế kỷ hai mươi ba mùa xuân qua
Từ lời thơ khai thiên lập địa
Thuở nàng thơ đâu cơm áo gạo tiền
Vẫn cứ say đêm nguyên tiêu giục giã
Vẫn sáng ngời sắc đỏ nhân văn

Kìa bạn bè không ngần ngại cách ngăn
Sao tri kỷ kỳ nguyên tiêu đến thế
Ta vẫn biết cuộc đời nhiều dâu bể
Tan hợp - hợp tan tri kỷ nguyên tiêu.