31 thg 1, 2011

CHIỀU CUỐI NĂM NÓI CHUYỆN VỀ MÈO


HÌNH TƯỢNG
THÀNH NGỮ VỀ MÈO - Ý NGHĨA DÂN GIAN


Trong biểu tượng 12 con giáp ở Việt nam chúng ta. Con nào cũng có một vị trí đặc biệt trong đời sống hàng ngày của con người. Tuy nhiên những con vật gần gũi và sống chung với người nhiều như Chó, Mèo, Trâu, Gà, Lợn, Ngựa, Dê được dân gian đúc kết thành ngữ với những hình tượng, ý nghĩa đời sống mang đậm nét văn hoá độc đáo. Ở các loài vật gắn liền nhà nông, con mèo được mượn ý nhiều nhất để ám chỉ nhân cách, đạo đức, lối sống, lao động, công việc, đối nhân xử thế của con người trong đời sống một cách toàn diện.
Nói có sách mách có chứng. Chẳng hạn một người nào đó thường hay có tính bủn xỉn, keo kiệt, hà tiện bị nêu lên hình tượng “Buộc cổ mèo, treo cổ chó”. Người đần độn, ngu ngốc, không có tài năng gọi là “Chó gio, mèo mù”, hay “Chó khô, mèo lạc”. Trong môi trường tập thể công tác, học tập, lao động ai cũng đều có một sở trường, tài năng chuyên môn riêng, nhưng thường ganh đua muốn hơn người nên mới có câu “Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”. Hoặc lánh nặng tìm nhẹ, can thiệp vào việc của nhau vì thế câu “Chó giữ nhà, mèo bắt chuột”đúng với ý nghĩa đó.
Những thành ngữ như “Chuột cắn dây buột mèo ; Chuột gặm chân mèo” phản ánh con người có thể làm một việc biết trước là nguy hiểm, làm ơn sinh quán, nhưng vẫn liều lĩnh làm để rồi mang hậu quả khó lường. Thói thường tính cách con người như xấu xa, tốt đẹp, lỗi lầm mà không biết sửa chữa để thiên hạ chê bai, hoặc bộc lộ giận giữ với ai đó mà không biết trút vào đâu, nói đến điều đó sẽ biết ngay như “Ăn nhỏ nhẻ như mèo”; “Chó chê mèo lắm lông” “Chửi chó mắng mèo”; “Đá mèo quèo chó”.
Có nhiều hình ảnh nhắc nhở, trong đời sống chúng ta phải biết nâng cao cảnh giác an ninh trật tự “Chó treo mèo đậy”, phải tự lượng sức mình không nên làm những việc quá khả năng cho phép “Mèo cào không xẻ vách vôi”, hoặc phải dùng một người làm việc không đúng với sở trường, dẫn đến hiệu quả công việc không cao “Không có chó bắt mèo ăn cứt”. Hay chỉ kẻ tài trí thô thiển mà muốn cáng đáng công việc lớn lao, quá sức với khả năng cho phép “Mèo vật đụn rơm”. Rồi những việc khuyên người hãy liệu sức mà đảm đương công việc. Tài hẹn sức mọn đảm đương công việc lớn sẽ dẫn thất bại mà thôi “Mèo nhỏ thì bắt chuột con”. Nhưng cũng có nhiều trường hợp tuổi trẻ tài cao, làm được việc, mà nhiều người lớn không làm nổi “Mèo con bắt chuột cống” . Có người còn tự đề cao, khen ngợi mình một cách thái hoá, trơ trẽn “Mèo khen mèo dài đuôi”.
Bên cạnh đó trong dân gian người sống lâu năm, nhiều kinh nghiệm. Lúc đầu trẻ rụt rè, nhút nhát. Khi già dặn trường đời thì lừa lọc, ma mảnh khó lường như “Mèo già hoá cáo”. Cũng có người làm ăn phi pháp, nhưng bằng mọi hình thức che giấu tội lỗi, hoặc thấy lợi là giấu diếm hưởng một mình, không cho ai biết “Im ỉm như mèo ăn vụng”. Ngày xưa đối với loại người quyền cao, chức trọng, nếu có sai trái với dân thì không sao, chả xử lý, trong khi những kẻ dưới làm sai bị trừng phạt rất nặng “Mèo tha miếng thịt xôn xao. Hùm tha con lợn thì nào thấy chi”. Người ở địa vị càng cao chức tước mất đi, đau khổ gấp nhiều lần người có địa thấp “Hùm mất hươu hơn mèo mất thịt”. Tuy nhiên có những người thông minh, lanh lợi, sắc sảo, lắm nhiều mưu mẹo, và đủ phương tiện thì dù gặp bất cứ trở ngại gì, hoặc kẻ thù nguy hiểm cũng đối phó, vượt qua và chiến thắng “ Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo
Nói đến đàn bà ở thời nào cũng vậy. Sống phải đức hạnh, đoan chính, lo toan hạnh phúc gia đình. Chỉ cần lơ đễnh, không lo chồng con, chợ búa cơm nước. Ăn uống quán xá, sản sinh thói hư đốn, bị chồng bỏ, chồng chê, ta nghĩ ngay tới các câu “Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm”, “Mèo làm ai nỡ cắt tai. Gái kia chồng bỏ khoe tài làm chi”. Có những việc khuyên các đức ông chồng đối xử với vợ thật hài hoà không nuông chiều và cũng không hiếp đáp quá đáng. Nuông chiều nhiều thì vợ lờn mặt lâu dần lấn áp chồng. Hiếp đáp thường xuyên thì vợ buồn rầu, gia đình mất hoà khí, hạnh phúc lung lay “Vợ quá chiều ngoen ngoẻn như chó con liếm mặt. Vợ phải rẫy tiu nghỉu như mèo lành mất tai ” Hoặc hạng người vô lại. Trai chuyên trộm cướp, gái lăng loàn, kết bè tựu đảng với nhau, khiến ai cũng khinh ghét như “ Mèo mả gà đồng ”, “Mèo hoang lại gặp chó hoang. Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai ”.
Còn có rất nhiều thành ngữ về mèo, hễ nhắc đến, ta nghĩ ngay đó là hạng người gì, tính cách ra sao, tốt hay xấu. Ví như “Mỡ để miệng mèo ; Như mèo thấy mỡ, Giấu như mèo giấu cứt, ” hoặc thể hiện tính kiên nhẫn, siêng năng, chịu khó mới làm được việc “Rình như mèo rình chuột”. Hay “Mèo mù móc cống” chỉ những kẻ không còn phương kế sinh nhai. “Mèo mù vớ cá rán ” đó là vận may đến bất ngờ đối với kẻ nghèo hèn đang túng quẫn. Rồi “Lèo nhèo như mèo vật đống rơm ” ám chỉ những người nói dai, nói đi , nói lại để nài nỉ van xin một việc nào đó cho kỳ được. Nhưng cũng có những người trong xã hội lúc giàu sang không tự mãn, chê bai người khác , nên khi lâm vào cảnh khổ mới biết thương người không may mắn bằng mình “Có ăn nhạt mới thương tới mèo”.
Nhận dịp năm Tân Mão đến, tôi xin mãn phép nêu vài câu thành ngữ vui, nhắc nhở chúng ta lấy đó làm bài học. Đừng để “ Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì may.

16 thg 1, 2011

TÀN ĐÔNG

Không còn những ngày mưa rả rích
Khi gió lạnh hanh khô lặng lẽ mang về
Ngôi nhà chật chội, ẩm uớt trở nên thoáng đãng
Vợ tôi ngồi đang khăn ấm len nâu


Nắng cuối ngày rơi trên nhành lá
Đâu đủ xua tan cái lạnh tàn đông
Hương hoa sữa vẫn còn dìu dịu
Nghe như mùa xuân đang đến hơi thở nồng nàn

Bên kia dãy phố
Có những người con gái làm đẹp cho đời
Mái tóc điểm trang không hề vội vã
Thư thả hồn vào mặt kính pha lê

Vợ tôi quấn chiếc khăn choàng cổ nhíu mày
Giở tờ lịch khi mùa đang đi và mùa đang đến
Nắng và gió vẫn lùa lên song sắt
Nghe nỗi buồn len lén đâu đây

Những đứa trẻ nôn nao đang đợi xuân về
Khoát lên đôi mắt cuối năm niềm vui sướng
Hình như tôi nghe tiếng ai cười vỡ vụn
Xoá sạch niềm đau cho hết năm dài…