28 thg 10, 2010

2 NGƯỜI ĐÀN BÀ GIỮA NGỔN NGANG CUỘC SỐNG

Có thể thấy, từ tập truyện ngắn “Hận thù và nhân ái” xuất bản năm 1999, đến tập truyện ngắn “2 người đàn bà” vừa mới xuất bản, nhà văn Hải Sơn đã có những thay đổi rõ nét trong cách thể hiện đề tài. Đó là tác giả không còn viết truyện ngắn theo kiểu “kể lại một câu chuyện”.

Ở “2 người đàn bà”, mỗi truyện ngắn là một mảnh đời, một lát cắt trực tiếp từ cuộc sống đã qua và hiện tại. Một cuộc sống ngổn ngang sự kiện và kịch tính. Có lẽ vì muốn tải cuộc sống như nó vốn có lên trang giấy, tác giả không đặt nặng vấn đề văn chương mà chỉ chú tâm vào sự kiện, không áp đặt phán xét chủ quan mà chỉ trình bày khách quan với kết cấu bỏ lửng, và chính những điều này đã tạo sự hấp dẫn cho người đọc.

Theo tôi, trong tư thế một độc giả trung bình, tôi không quan tâm đến nhà văn đã theo trường phái văn chương nào, không cần biết họ thuộc cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại…Tôi chỉ cần tác phẩm âý phải hay, nghĩa là tác phẩm ấy tôi đọc mà không thấy chán thấy ngán. Đọc xong, tôi có thêm bổ ích vì những trải nghiệm và khám phá cuộc sống của tác giả ấy. Tôi không bị mất trắng hay bị lừa khi đọc sách của họ. Điều bổ ích trên tôi đã gặp trong tập truyện ngắn “2 người đàn bà” của nhà văn Hải Sơn.

Điển hình như trong truyện “Độc ẩm”. Đọc truyện này, ta thấy nhu cầu cần có con người để liên hệ giao tiếp là cực kỳ quan trọng, mặc dù ta đã quyết định từ chối giao tiếp với họ. Lão Qườn là một nông dân. Lão chủ trương uống rượu một mình. Uống rượu với nhiều người sinh lắm chuyện rầy rà không tốt. Nhưng nhân lúc cả nhà đi vắng, lão vẫn uống rượu một mình như lão đã chủ trương, nhưng lão uống rượu với một màn diễn phân thân thành ra nhiều người.
Ông Bốn Xếp láng giềng tình cờ đến có chút việc, đã chứng kiến toàn bộ sự lạ về màn độc diễn phân thân ấy của lão Qườn. Lão Qườn cụng ly với người này, cãi cọ với người khác, giả cả giọng nữ để ca hát…nghĩa là lão đã diễn đủ trò có thể xảy ra trong một cuộc nhậu sôi động trong một căn nhà đèn điện sáng choang và cửa đóng then cài. Diễn ra trong căn nhà vắng vẻ của lão, độc nhất chỉ có một mình lão. Thật khôi hài đến phải suy nghĩ đấy chứ?

Truyện này tôi nghĩ không phải tác giả hư cấu. Ngoài đời có thể có một người như lão Qườn hẳn hoi. Việc một người phân thân thành nhiều người, đã phản ánh sự bức xúc khi rớt vào nỗi cô đơn kiếp người. Con người luôn cần nhu cầu giao tiếp với xã hội bên ngoài để bớt cô đơn thăm thẳm bên trong. Việc chỉ đơn giản thế thôi mà xem ra cũng vô cùng phức tạp.
Lại như trong truyện “Huyệt gió”, người đọc thấy lão Trưởng vì được đứa con gái sống ở nước ngoài gửi tiền đô chu cấp, nên lão đâm ra ăn chơi trác táng. Lão suýt chết vì dâm đãng và bị tai tiếng lớn. Từ đấy lão ẩn dật và sức khoẻ suy sụp. Nhưng vì có tiền, nên lão cố mua chỗ đất long mạch để xây huyệt gió. Nhưng rốt cục, huyệt gió này lại được xác ông Liêm vô gia cư và nghèo kiết xác nằm vào.
Ở truyện này, người đọc có thể thấy lão Trưởng vì nhiều tiền nên muốn sống tận hưởng và lão đã phạm sai lầm. Đến khi lão chuẩn bị chu đáo để chết, lại cũng bị sai lầm nốt. Tại sao vậy? Lý do đơn giản là khả năng tài chánh và khả năng trí tuệ chênh lệch. Tinh thần không tiến triển kịp với sự giàu có. Thế là bi kịch buộc phải xảy ra. Nhiều vấn đề nhức nhối nảy sinh buộc phải giải quyết. Cuộc sống bỗng trở nên ngổn ngang rối rắm đến không ngờ.

Nhà văn Hải Sơn, trong tập truyện ngắn “2 người đàn bà”, không đào sâu tâm lý nhân vật. Nhà văn chỉ diễn tả bằng sự kiện cụ thể, thông qua đôi mắt cố gắng giảm thiểu chủ quan của mình, để chính sự kiện tạo nhiều suy tư nơi độc giả trong một cuộc sống ngổn ngang bi hài.
Ngô Phan Lưu

1 thg 10, 2010

NƯỚC MẮT KHÔN NGUÔI

Ngày dài vô tận
Đêm ngắn tầng cao vũ trụ lửa cháy
Ai đang đi về phía mặt trời
Đuổi theo một bóng hình trầm tích



Ta đã thấy
Những giọt nước mắt cay đắng không hoà tan
Rơi xuống long lanh thờ ơ, vỡ vụn
Giọt nước mắt níu kéo dòng sông trở lại
Và gấp khúc thời gian chờ đợi mệt nhoài

Ta đã thấy
Cuộc đời em
Bao nhiều năm rồi không khóc?
Bao nhiêu năm nước chảy mà đá chẳng mòn
Để rồi chiều nay em thảng thốt
Gọi người mà người đã xa xăm

Ta đã thấy
Em ngửa mặt cầu xin mây gió
Cho em đi vào chốn phiêu bồng
Ôm đổ vỡ cúi đầu tạ từ quá khứ

Ta đã thấy
Hình như cột mốc chân em in hằn vết chém
Dòng máu trong tim ngưng chảy lời thề
Đã xa quá rồi em đâu còn đủ sức
Về lại ngôi nhà xưa để đốt đèn lên…