28 thg 1, 2009

KHI MÙA XUÂN ĐẾN


Có thể nào
Khi mùa xuân đến
Em lại ra đi !
Có thể nào
Em ra đi để một mình anh đơn độc
Lang thang trên khắp phố phường
Khi mùa xuân thiếu em
Con đường trở thành vô tình
Sẽ đưa anh vào đau khổ
Em ơi !
Khi mùa xuân về
Những con người rạng rỡ
Làm cho thiên nhiên hoa lá sững sờ
Làm cho hoàng hôn –bình minh đời anh long lanh
Có thể nào mùa xuân không em
Mùa xuân đi qua rơi như chiếc lá mùa xuân
Anh biết phải làm gì
Trở về
Lục tìm xem đời anh đã có
Đâu là mùa xuân có em
Cho đời anh ngủ lại .

25 thg 1, 2009

TỰ VẤN LÚC GIAO THỪA


Nào người anh em
Ta cạn ly rồi nói
Đời mình…say rồi có vàng võ gì đâu
Đêm lung linh thật sâu
Ta mở tung cánh cửa
Đứng trước gió
Hít thở căng lồng ngực
Mọi thứ trong lành và dơ bẩn tột cùng
Để rồi tiếp nối ngày hành trang trên lưng
Bạn lao nhanh về phía trước
Bỏ lại sau..
Nhiều điều đau thương và hối tiếc
Không chút vấn vương
Thôi ! Cho ta thêm ly đồng hành tiễn biệt
Rũ sạch niềm đau tha thiết muôn chiều
Cứ uống ! Đời sẽ không còn hiu quạnh
Bạn bè quanh ta những cám dỗ nhọc nhằn
Mùa xuân này chắc gì em còn tới thăm ?
Cửa vẫn mở…
Em có đến cứ vào không cần báo
Để ta còn chút tơ lòng…

22 thg 1, 2009

NĂM TRÂU NÓI CHUYỆN TẾT BÒ


Kể từ lúc rời xa quê lên thành phố . Tôi bù đầu vào công việc với bao nỗi vất vả, lo toan. Đâu còn thời giờ để mà nghĩ chuyện khác.Bỗng dưng chiều nay rỗi rãi, tôi xách xe máy chở con trai về quê thăm nội .
Ngồi trước hàng hiên nhà, nhìn hàng sầu đông rụng lá . Những cành hoa tím lú nhú vươn lên, thoang thoảng mùi hương. Bao kỷ niệm thuở ấu thơ chợt ùa về .Đứa em trai tôi,nhà bên cạnh lùa năm con bò bóng mượt, bụng căng tròn sau một ngày chăn dắt. Tự nhiên tôi hỏi mẹ một câu đến ngớ ngẩn :
- Bây giờ mình còn tục lệ tết Bò nữa không hả mẹ ?
- Ối dào ! Miệng bà móm mém :Bỏ lâu rồi con ơi ! Ngày xưa ruộng đất nhiều, người ít . Bò là công cụ hữu hiệu của nhà nông, nên ai cũng phải nâng niu,chăm sóc kỹ . Coi đó là vật linh thiêng của từng gia đình nên xuân về, tết đến nhà nhà nuôi Bò đề phải cúng trả lễ ,từ đó mới có tục lệ tết Bò . Ngày nay người nuôi Bò cốt bán lấy tiền, còn vật đi vào các lò mổ, xẻ thịt . Con nhớ làm chi cho đau óc. Nghe mẹ nói một hồi, tôi lặng im trầm ngâm, xa xôi , nghĩ ngợi…
Nhớ hồi còn nhỏ , nhà nuôi sáu con Bò. Bốn con đực cày ruộng , hai con cái làm giống . Tôi và anh tôi thay nhau chăm sóc, cho ăn cỏ, rơm khô . Tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày. Không được nhốt nhiều trong chuồng, nhốt quá bò cuồng chân, hư móng. Lúc thì anh em chúng tôi lùa thả ở các Gò ( nghĩa địa )của làng, lúc lùa ra ngoài đồng ruộng. Bữa nào đàn bò về nhà mà không no sẽ bị mẹ cho ăn đòn.
Hàng năm tết đến . Anh em tôi chuẩn bị nhiều bao cỏ tuơi, rơm khô trên nọc rút xuống để sẵn . Chuồng trại dọn sạch không dơ bẩn. Cày bừa rửa kỹ, gát lên chuồng. Ngày cuối năm ,30 tháng chạp cho bò ăn ít cỏ, sau đó máng phải cho đầy rơm, nước uống đầy thùng để bò ăn, uống cho đến hết ngày mùng một. Đúng năm giờ chiều mẹ kê bàn, trước cửa chuồng. Thết lên mâm ngũ quả, bánh cốm, bánh thuẫn, bánh tét , giấy vàng bạc, giấy ngũ sắc, sau đó đốt hương khấn vái trời đất, long thần bổn cuộc phù hộ độ trì cho đàn bò khỏe mạnh, sống lâu giúp ích gia đình.
Sáng mồng hai tết , cho bò ăn thật nhiều cỏ và vuốt ve mỗi con một chút . Ba giờ chiều mồng ba cúng tạ . Lại thết lên bàn mâm ngũ quả. Lần này các loại bánh phải nhiều hơn. đặc biệt cốm hộp, bánh tét, giấy vàng bạc không thể thiếu. Sau khi cúng xong, mẹ lấy kéo cắt giấy vàng bạc mỗi tờ làm hai, sai anh em tôi đến từng con bò dán lên sừng mỗi con một tờ, dán lên róng chuồng bò. Cày, bừa đề phải dán hết. Đây là ý nghĩa biểu thị của gia đình đối với công cụ nhà nông. Năm mới cái gì cũng phải mới . Số giấy vàng bạc, ngũ sắc còn lại mẹ đốt hết để gửi theo . Đúng năm giờ chiều mẹ đích thân mở chuồng cho Bò đi dạo cảnh đầu năm. Độ nửa giờ lùa về nhốt lại cho đến mồng bảy hạ niêu , mới hoạt động trở lại bình thường.
Đến bây giờ tôi mới biết, tục lệ Tết bò nó mang sắc thái tín ngưỡng nhà nông . Một tục lệ dân gian thuần tý , giàu bản sắc văn hoá, nó mang lại niềm tin, sức mạnh cho con người khi bước sang một năm mới , kích thích họ nhiều tinh thần,nghị lực để lao động làm ra của cải vật chất . Rất tiếc tục lệ ấy, đến bây giờ đã bị mai một , có mấy ai còn nhớ ? Đầu năm xin phép các bậc cao niên, viết vài dòng để ôn lại thời quá khứ, có gì còn thiếu sót, xin bỏ quá cho./.

10 thg 1, 2009

THÔN NỮ TẮM TRĂNG


Kìa đêm gió mát trăng thanh
Bên khung cữa sổ tôi nằm hát ru
Nhà bên em xoã tóc bù
Thân vàng giác ngọc lù lù nguyên sơ
Tôi quay quắt dưới bóng mờ
Đôi gò bồng đảo hững hờ đung đưa
Chiều sâu ai đếm cho vừa
Hang hùm râu mọc lưa thưa tơ trời
Tay em trắng, eo em vơi
Lưng trần nước chảy bồi hồi tim anh
Vô tình ngọn gió trong lành
Hôn lên thân thể, trăng đành xô đi
Trong bóng tối kẻ gan lì
Chồm lên dữ dội tôi ghì xác tôi
Mặc cho trời đất chơi vơi
Em vô tư lạ , gọi mời hồn ai ?
Đồng quê trăng sáng đêm dài
Tắm tiên thôn nữ bồng lai ngắm nhìn

6 thg 1, 2009

ĐẦU XUÂN NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH


Chào thiên niên kỉ mới
Ta vuốt mặt nhìn lại chính mình-trắc ẩn
Tuổi buốn mươi tóc lốm đốm bạc màu
Suốt một chặng đường dài
Đi tìm hạnh phúc và cuộc sống mưu sinh
Tiền không đủ giật gấu vá vai cơm áo
Thiếu trước hụt sau
Nợ nần chồng chất
Nhà tạm bợ đi ở –dở dang
Nghề nghiệp thì tròng trành lận đận
Vợ chẳng việc làm con thơ nheo nhóc
Ta khóc thầm trước bè bạn vong linh
Chào một ngày bình minh đất nước
Để cho ta tiếp bước chặng đường
Nghĩ cho cùng chẳng còn gì nữa
Ngoài căn buồng và cả cuộc đời
Thương thế nhân sao chỉ có mình tôi
Ta còn sống được nhờ có tình bằng hữu
Và các con cho tổ quốc mai này
Chào thế kỷ ta say ly rượu nhạt
Chấm một nét xuân nghe ai hát ai cười…

4 thg 1, 2009

GỬI CHÚT TÌNH QUÊ


Mùa xuân về
Tết đến
Tôi kẻ nơi xa không về được
Nghe nói !
Năm nay đường xuân quê nhiều bụi bặm
Ngại chút đường xa nơi quê nhà

Không về quê
Sớm mai trở trời gió rét
Gầy đi nỗi nhớ đất quê mình
Thương bạn tình một đời khốn khó
Nợ chồng con nghĩa trả dài lâu

Không về quê
Khói lam chiều tít tắp
Nhắm mắt thấy trời thấy đất
Mưa xuân lất phất xóm làng
Em đi chợ tết nghiêng vành nón
Tôi đợi cầu ngang đón em sang

Không về quê
Gặm nhấm hồn ta ly rượu chát
Nỗi nhớ đan dài nhảy nhót
Xuân đang tan biến quặn lòng
Thôi thì gửi quê lời sâu thẳm
Chúc xuân tươi thắm nắm hoa đời…

CON TRAI - TRẦN VŨ LÂM - LÚC 6 TUỔI


TRÔNG RẤT NGẦU

TRẦN KIM TƯỜNG - NGUYỄN THỊ HẰNG VÀ HAI CON


HAPPY NEW YEAR 2009

3 thg 1, 2009

CHIẾC GẬY MÂY


Hàng năm cứ đến ngày giỗ của nội , tôi lại về ngôi nhà cũ . Ngôi nhà ngày xưa lợp tranh,vách đất. Giờ được thay thế bằng tường gạch,mái ngói rêu phong cũ kỹ. Nhà như một biểu tượng sự quật cường của cuộc chiến tranh, là chứng tích anh dũng, đớn đau ,chở che, nuôi dưỡng cho bao lớp người kháng chiến . Trong đó bà nội và mẹ tôi là hai nhân vật chính. Còn tôi cùng chị cả, anh trai , và hai em thứ, út là người chứng kiến. Truớc năm 1975 nếu có ai đến làng Vinh Ba – xóm Kiệt - Huyện Tuy Hoà – Phú Yên hỏi thăm nhà má Tám, không ai không biết, đó là bà Nguyễn Thị Diện nội của tôi . Người ta gán cho bà thêm biệt danh “ Má Tám thế giới ”.
Hai mươi năm nội chiến . Bom đạn của Mỹ đã nã xuống làng xóm tơi bời, điêu tàn xơ xác . Những cuộc càn quét, khủng bố, đàn áp dân thường liên miên, bất tận . Ai đi cứ đi, ai chạy cứ chạy, ai chết cứ chết . Nội tôi vẫn bình chân như vại ,kiên quyết bám trụ giữ làng,không rời nửa bước. Các đồng chí Cách mạng hoạt động bí mật sống được nhờ có bà, còn mẹ tôi thỉnh thoảng mới giúp đỡ .Cứ sáng sáng, chiều chiều mỗi ngày dưới hiên nhà bên chiếc âu lửa bà ngồi uống trà, nghe thời sự với chiếc radio của Nhật .Đài nào bà cũng nghe tuốt, kể cả đài Hà Nội lúc bấy giờ bị cấm . Nhưng chủ yếu bà nghe BBC và Sài Gòn là chính . Phải thừa nhận nội có một trí nhớ lâu cực kỳ chuẩn xác, nên mọi thông tin toàn thế giới hàng ngày bà đều nắm chắc. Đi đâu , gặp ngưòi nào cũng thường tán gẫu,nói chuyện tứ phương , đông tây kim cổ. Do đó cái biệt danh má Tám thế giới được lưu truyền từ đó . Nội thuộc loại ít học mù chữ, chỉ biết vò vẽ vài ba chữ hán. Thuộc vài câu trong tam tự kinh, nhưng tính cách bà lanh lợi, mưu trí . Đầu óc phán đoán nhạy cảm .Nhớ lần nọ một buổi sáng sớm, toán lính xuất hiện đi vào hướng nhà tôi, trong khi đó nhà có bốn đồng chí Thường vụ huyện uỷ đang tập trung chuẩn bị họp .Cũng may nội vừa ra đồng thăm lúa trở về. Bà nhanh chân chặn đám lính lại chào hỏi, nói chuyện thật to, tìm kế hoãn binh, để các đồng chí mình nghe thấy. Khi bọn địch hiểu ra, xông vào tìm kiếm thì các đồng chí đã vào vị trí an toàn.Nói đến các tích tuồng truyện tàu như : Phụng Nghi Đình , Tam Hạ Nam Đàng ,Tiết Nhơn Quý, Ngũ Hổ…bà thuộc làu làu thường kể và phân tích kẻ trung, người ác luật đời nhân quả cho anh em chúng tôi nghe mỗi khi rảnh rổi .Mãi sau này khi lớn lên tôi mới hiểu thâm ý của bà.
Ngày cha tôi hy sinh , bọn địch đem xác phơi nắng, phơi sương đến ba ngày không cho chôn, xác chương sình, thối rữa bốc mùi . Mẹ tôi khóc hết nước mắt .Anh em chúng tôi ngơ ngác, bơ vơ, nguyện cầu . Nội vẫn tỉnh queo. Bà đã chứng kiến không biết bao nhiêu đồng chí, cán bộ của mình bị địch giết nên khi nghe tin con mất có lẽ nỗi đớn đau ,nước mắt đã chảy ngược vào trong . Bà chống gậy, lặn lội một mình đến tận nhà tên xã trưởng khét tiếng, gian ác để đòi xác con . Với lý lẽ đanh thép, phân tích tình lý “ Nghĩa tử là nghĩa tận ! Còn sống kẻ thù, chết là hết” tên xã trưởng đành phải cho đem xác cha tôi về mai táng .
Anh em chúng tôi mất cha , mẹ mất chồng , nội mất con là nỗi đau vô bờ bến . Nửa tháng sau ngày cha mất,chị gái gạt nước mắt theo chồng với một mâm cơm đưa tiễn vì còn tang chế . Niềm vui chưa trọn vẹn , anh rể đang học dở lớp tú tài bán âm thầm bỏ trường nhảy núi, trong khi vợ mang thai chưa được năm tháng
Đứa con trai vừa tròn hai tuổi ,chị gái không chịu đựng nổi những đòn tra tấn của kẻ thù vì có chồng theo cộng sản . Chị âm thầm bỏ nhà, bỏ con ra đi vào một đêm đầy mưa gió, và dĩ nhiên chị tìm đến đơn vị của chồng . Gánh nặng lại đè lên đầu mẹ , vừa nuôi con lại phải nuôi cháu . Năm tháng pha sương, tóc mẹ bạc thêm . Tôi thương đứa cháu đến tê lòng , vì nó ốm yếu, quặt quẹo bệnh tật triền miên, nhưng nó lây lất vẫn sống mãi cho ngày đoàn tụ với bố mẹ.
Đất nước hoàn toàn thống nhất. Niềm vui cả gia đình được nhân đôi . Chị gái công tác ban tài chính huyện uỷ, người anh trai lên đường nhập ngũ đơn vị công an vũ trang . Nội và mẹ là những người đầu tiên đưa ba mẫu ruộng vào tập đoàn hợp tác xã. Nhưng cũng chính nội là người đứng ra đòi lại ruộng , khi chính sách kinh tế làm ăn bát nháo thời bao cấp không cung cấp đủ gạo cho bà ăn. Mẹ tôi nhiều lần phải đứng ra can gián . Làm lụng quanh năm , lo cho chồng, cho cách mạng nên cái đói, cái nghèo cứ bám riết gia đình, đêm đêm mẹ than vắn thở dài . Sau ngày giải phóng ruộng đưa hết vào hợp tác xã , anh em chúng tôi phải làm thuê kiếm sống . Năm mười bốn tuổi , tôi học lớp sáu phổ thông, có những lúc đi cày ruộng lấy điểm, về đến nhà chỉ tắm rửa rồi đi học, cơm không kịp ăn .Nhớ có lần nọ giữa trưa tôi vác cày về nhà, nửa đường tôi bỏ cày xuống bên cạnh bụi tre ngồi khóc than thở. Đời sao đen bạc, khốn khổ đến thế là cùng . Có mấy người cùng làng đi ngang thấy tôi khóc, họ lắc đầu im lặng, cảm thông . Mẹ chạy ngược, chạy xuôi buôn gánh, bán bưng tần tảo vậy mà cơm cũng không đủ ăn, áo không đủ mặt . Cuối năm 1978 kinh tế gia đình kiệt quệ . Hàng ngày bữa sắn, bữa khoai . Có khi cả tuần chỉ ăn toàn đu đủ .Khi ăn ngày cuối tuần chờ mẹ về. Đứa em út tôi rên xiết “ anh ơi em chịu hết nổi rồi ”. Ba anh em ôm nhau khóc rồ lên . Bà nội thấy thế, cũng dàn dụa nước mắt . Từ khi sinh ra lớn lên, tôi chưa thấy nội khóc khi nào. Giờ đứng trước cảnh cái đói hành hạ các cháu bà cũng phải rơi lệ . Bà động viên anh em chúng tôi cố gắng vượt qua , đất nước hết chiến tranh rồi . Nhất định Đảng, nhà nước không bỏ gia đình chúng ta .
Tôi bỏ học nửa năm lớp bảy. Ngày ngày lặn lội trên đồng câu cá, bắt lươn .Đêm với đám bạn cùng lứa, hò hẹn, nghểu nghến, trai gái . Rồi một hôm tôi bỏ nhà lang bạt theo đám lâm tặc nơi rừng thiêng nước độc để kiếm tiền . Đi mãi chán chê quay về đăng ký nghĩa vụ quân sự . Biết chuyện tôi chán đời, muốn sang chiến trường K để bỏ mạng . Nội âm thầm đến gặp đồng chí chủ tịch xã gạt tên tôi khỏi danh sách. Tối đến , bà gọi tôi đứng trước bàn thờ cha, nơi có chiếc bằng tổ quốc ghi công, bà dùng chiếc gậy mây khèo quéo, đập xuống đầu tôi một cái nảy lửa. Bà răn dạy “ Làm người phải có chí khí, bà không có loại cháu như vậy. Cháu nhìn lại mình coi, mới nức mắt tuổi đầu yêu đương nhăng nhít, học hành không đến nơi đến chốn làm được gì, ra khỏi nhà ngay ”. Đầu tôi nổi lên một cục sau cú đánh trời giáng . Hôm sau tôi lại bỏ nhà cùng chiếc xe đạp mới mua, lặn mất hơn tháng . Cũng may lần ấy tôi về phố huyện có lớp chiêu sinh học Bổ túc văn hoá, đối tượng diện con nhà chính sách . Tôi mua hồ sơ ,hì hục viết , xác nhận địa phương rồi đăng ký.
Ngày tôi đi học trở lại, nội vui mừng hớn hở . Bà có con gà mái tơ đem ra chợ bán cho tiền tôi làm lộ phí . Mẹ may cho bộ quần áo mới . Tôi đi như mây gió . Hai đứa em chạy theo níu kéo, căn dặn đủ điều . Sáu năm trường Bổ túc tuy khổ mà vui , nhưng so với hồi còn ở nhà nỗi khổ đâu thấm tháp gì . Trong thời gian học một biến cố khôn lường xảy ra . Mẹ tôi do sơ suất trong nấu bếp. Ngọn lửa đã thêu rụi ngôi nhà tranh vách đất và toàn bộ tư trang, tài sản chút ít của gia đình. Mẹ tôi ngất lên lịm xuống, nội ngồi thức trắng nhiều đêm. Tôi về khi người anh rể và bà con họ tộc, chòm xóm quyên góp vật liệu, cây gỗ xây dựng lại ngôi nhà. Trước nỗi bi đát hoạ vô đơn chí, tôi ngửa mặt kêu trời, mà trời chẳng thấu. Ba tháng, sau cú sốc nội tôi qua đời một cách bình yên như ngủ, không đau ốm bệnh tật. Bà thọ 92 tuổi. Tôi thi tốt nghiệp cấp ba thuộc loại giỏi và tiếp theo đỗ vào trường đại học.
Bốn năm trường đại học lấy gì mà sống ? Tôi băn khoăn trăn trở, và khích lệ của bạn bè, quyết định khăn gói lên đường . Sinh viên thời bấy giờ , đứa thì đạp xích lô, đứa thì rửa bát, gia sư… để trang trải chi tiêu . Tôi vò vẽ, tập tễnh viết văn, làm thơ gửi báo. Vậy mà cũng có đồng ra, đồng vào .Thế nên bây giờ mới trở thành nghiệp chướng văn chương .
Đói khổ, cực nhọc, nước mắt rồi cũng qua đi . Tốt nghiệp đại học tôi về địa phương nhận công tác, rồi lấy vợ sinh con, ở thành phố . Mẹ tôi cuối đời an nhàn hưởng thụ với xuất trợ cấp liệt sĩ ,có công và anh em chúng tôi hỗ trợ thêm. Hiện nay bà già yếu lắm rồi, muốn ở chơi với con cháu nào thì ở,, cũng chỉ dăm ba ngày. Cuối cùng vẫn quay về ngôi nhà cũ. Các anh chị và em tôi ở quê đều lập gia thất, không giàu nhưng cũng tạm ổn định cuộc sống . Chuyện của gia đình tôi mỗi khi nhắc lại, tôi lại chạnh lòng, ứa nước mắt . Xin cảm ơn Đảng, nhà nước, cảm ơn người cha đã hy sinh trọn đời cho cách mạng .Cảm ơn bà nội tuyệt vời , cảm ơn mẹ đã sinh ra con . Nếu không có Đảng, nhà nước, không có nội thì giờ này tôi cũng chỉ là thằng nông dân không chữ nghĩa . Cày sâu cuốc bẫm, một nắng hai sương./.

2 thg 1, 2009

MUA ĐỒ TẾT - CHUYỆN VỢ CHỒNG TÔI


Năm nào cũng vậy ! Lo gì thì lo, làm gì thì làm, cứ đến tháng 11 âm lịch phải chuẩn bị một ít tiền mua quần áo tết cho con. Tôi và vợ tôi có cũng được, không có cũng được chả sao. Năm nay đã qua tháng 12 âm lịch, còn bao thứ ngổn ngang. Tiền thì chả có. Giá cả hàng hoá biến động, thay đổi vùn vụt đến chóng mặt. Tôi lờ đi rồi từ từ hẳn tính.
Chiều nay con học về, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn ra đường phố mưa bay chầm chậm. Con trai xìa trước mặt hai giấy chứng nhận học sinh giỏi cấp trường, môn tiếng Anh và môn Toán. Con gái lại sờ sờ, nắn nắn bả vai thủ thỉ :
- Mua đồ tết đi ba ! Mua cho con một chiếc váy đầm, một bộ quần áo Jin thun.
- Còn con phải hai bộ đồ hộp, đứa con trai láu lỉnh.
- Ừ ! Ừ để vài bữa có tiền ba mua liền.
- Ba hứa rồi đấy nghen ! Mua muộn quá hết đồ đẹp.
- Thiếu cha gì đồ đẹp, ngày nào mua chả được, tôi nói cho qua chuyện.
Nhận hai triệu đồng tiền thưởng của đơn vị. Tối tôi chở vợ đi lòng vòng hết shop này đến cửa hàng kia chả có bộ nào ưng ý.Tìm mãi rồi cũng chọn cho hai đứa nhỏ bốn bộ với giá gần triệu đồng. Ở nhà hai con thấp tha thấp thỏm, ngóng trông, chạy ra, chạy vào. 9h tối vợ chồng về , bọn trẻ ùa ra ôm gọn mỗi đứa hai bộ cười toe tét. Hai đứa lật đật lên giường thử ngay. Con gái tỏ vẻ không ưng ý, bị thằng anh chê xấu, kích động mặc xị xuống, khóc rưng rức. Bộ váy xêria kim tuyến, quần Jin lửng hiệu Davis chính hiệu còn muốn gì nữa .Nói mãi nó chấp nhận bộ váy, còn bộ kia dứt khoát không. Tôi gắt lên, con gái khóc to, bệu bạo : Bộ này con không muốn, đổi cho con thứ khác. Thằng con trai thì tủm tỉm chấp nhận quần Kaki và áo sơ mi màu. Còn bộ áo thun, quần Jin chê ngắn ,xin bố mẹ đi trả.
Đổi đi, đổi lại đến hai lần nữa, hai con cũng chẳng chịu bộ nào, cũng may người bán hàng là chỗ thân tình họ đều vui vẻ . Tôi bực quá bảo vợ : Thôi ! Em chở hai đứa đi, thích bộ nào mua cho chúng nó khỏi phải phiền lòng người bán . Đi đi kẻo khuya.
Tôi nằm nhà xem ti vi, hơn 10 giờ đêm ba mẹ con mới về.Hai đứa nhỏ mặc tiu nghỉu, buồn hiu ,đồ cũng chưa mua được.Mẹ nó vừa dắt xe, vừa la lối om sòm:
- Đĩ ngựa vừa phải thôi,con với chả kiến. Đồ nào mặc chả được, kén chọn, quần mệt bở hơi tai,
- Thôi hai con ngủ đi, mai ba chở đi mua, đằng nào cũng tìm ra bộ ưng ý.
Y hẹn, tối hôm sau tôi chở vợ và hai con đi săn lùng tiếp. Rảo mãi chán chê , hai đứa chọn được hai bộ quần áo loại mốt đời mới quái gở . Con gái thì chọn quần lửng, áo ngắn cũn hở rún. Con trai quần Jin loại đắp vá chằm tua tủa . Vợ tôi dậm chân kêu trời :
- Chết ! Chết ! Mới nức mắt , ở đâu ra cái thói học đòi. Em quát tháo bất chấp chị bán hàng, chả còn nể nang ai. Tôi dịu dọng :
- Thôi chìu con mua đi, có gì từ từ về nhà răn dạy.
Sợ vợ nổi cáu, la lớn hơn nữa xấu hổ giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi xếp hai bộ quần áo bỏ bọc nilon, nháy nhỏ hai con rút. Bỏ vợ lại một mình trả tiền lầm bầm, chép miệng, tôi chạy ù đưa hai đứa về trước. Mười phút sau tôi quay lại, vợ đứng chờ trên bậc tam cấp cổng chợ, tay cầm giỏ xách : em khoe :
- Mua thêm cho hai đứa nhỏ đôi dep Bitis và đôi hài thêu. Anh thì chiếc áo Montaghi nâu, còn em một bộ. Tôi bảo : Hết bao nhiêu tiền ? Tám trăm nghìn đồng, em đáp tỉnh queo. Thế là khoảng tiền hai triệu đi đứt. Tai tôi ù lên, điếc đặc. Chiều cuối năm người đông như trẩy hội, Tết đến nơi rồi. Còn biết bao nhiêu thứ phải mua . Đúng “cám tháng giêng tiền tháng chạp”. Tiền ! Tiền như muối bỏ biển . Tôi lẩm nhẩm rồ xe, quên luôn chở vợ, em chạy theo níu lại nhăn nhó : Có cô nào hớp hồn ông hay sao mộng mơ đến lơ đễnh, tính bỏ quên vợ hả đồ ôn dịch. Nàng đấm tay vào lưng tôi lia lịa . Tôi cười trừ mà lòng nặng trịch như chì./.