24 thg 2, 2010

CUỘC ĐỜI LÒNG VÒNG

Nhà văn nông dân Ngô Phan Lưu, năm 2009 ngán ngẩm chôn văn trường đầy rẫy thị phi, nên tạm thời gát bút . Gặp nhau hỏi thăm sao dạo này viết ít ? ông bảo rằng : Ngày trước mình làm ruộng, chụp ảnh, làm thơ. Thấy không nhập nhĩ vào đâu, lại đi mở sân trượt batin, đâu được hai năm lỗ cháy túi. Buồn đời quá, Ba Lưu bỏ địa phương đi du hý phía bắc, không ngờ lần ấy bác gặp được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mách nước, ông nên về viết văn thử xem sao. Sẵn có vốn sống tích góp được hơpn nửa đời người,Ba Lưu chuyển sang viết văn lại làm ăn khấm khá. Kết quả, đạt gải nhất cuộc thi truyện ngắn do Báo văn nghệ Việt nam tổ chức năm 2007. Từ đó uy tín thanh danh của ông lên cao vùn vụt nổi như cồn, báo nào cũng gọi ông gởi bài cộng tác. Báo hại có một số người cũng nhà văn , nhà thơ ghét ăn ghét ở tìm cách hạ bệ, hại ông. Cuộc đời của mỗi con người khi xuống tóc, hay xuống râu phải có lời nguyền gì đó, nhưng Ba Lưu đã hai lần xuống râu, rồi lại để râu. Đâu năm Canh dần này gặp ông thấy bộ râu như cũ, hoành tráng, bạc trắng ông lại tâm sự. Giờ tạm thời không viết văn nữa, chuyển sang mở quán cà phê vỉa hè , trở lại làm thơ. Sáng mồng 9 tết (canh dần )2010, bác Lưu khai trương, anh em đến ủng hộ đông nghịt địa điểm trước cửa nhà ông. Tôi cũng đến góp vui, hứng chí quá bèn làm mấy câu thơ để tặng Ba Lưu .
Thơ lục bát như sau :
Phú yên có một nhà văn
Râu ria để bạc làm ăn kinh tề (kinh tế)
Mồng chín mở quán cà phê
Bạn bè chiến hữu đê mê dập dìu
Dáng gập xuống bước liêu xiêu
Tay bê cốc nuớc, tay điều đá dăm (nước đá )
Mong cho khách đến ăn nằm
Bác cười sảng khoái trăng rằm thua xa
Ngày ngày chỉ bán tà tà
Tiền vô như nước, rượu trà biếu không
Ai có bạn, có bóng hồng
Mời đến giúp bác, trả công chỗ ngồi
Còn tôi mồm mép rỗi hơi
Viết kính tặng bác mấy lời thơ suông./.

14 thg 2, 2010

VIẾT TRƯỚC DÒNG SÔNG


Một năm nữa lại về , năm Canh dần mạnh mẽ, xin chúc bạn bè chiến hữu xa gần mọi điều tốt đẹp nhất. Xin gửi đến bà con Phú Yên bài viết về những suy tư nỗi lòng sau mùa bão đau thương...


Sau bão lũ tôi về bên dòng Kỳ Lộ, nhìn con nước hiền hoà, êm đềm chảy về xuôi, chảy mãi, chảy mãi mà nước mắt rơi không cầm được. Dòng sông đã chứng kiến bao đời người với sự đổi thay cuộc sống. Nhìn xóm làng hoang tàn, xơ xác với ngổn ngang bùn, đất cát, nhà cửa, cây cối tứ tung sau trận bão lũ kinh hoàng mới thấy sự tan thương, bi đát. Tất cả đều xoá sạch . Người nằm xuống biết có thảnh thơi ? Người còn sống nuốt nước mắt vào trong gầy dựng một cuộc đời mới . Tài sản cơ nghiệp tích cóp cả một đời phút chốc trắng tay. Không nhà cửa, không nơi nương tựa, không đèn, không màng chiếu. Người người vẫn phải sống trước những tấm lòng hảo tâm, bao dung, chia xẻ của cộng đồng xã hội . Phải sống trước sự chăm lo của chính quyền, Đảng, nhà nước. Phải vượt qua sự mất mát đớn đau này…
Tôi lang thang trong chiều nhạt nắng. Những chiếc chồi lá, lều bạt tạm bợ mọc lên, rải rác lưa thưa đủ cho người che sương gió .Bước chân không định hướng vô tình ghé thăm những bà con thân thuộc còn sót lại. Đi về phía doi cát của xóm Trường. Bãi cát im lìm nằm nghe tiếng thở thời gian . Chưa khi nào tôi có cảm giác chạnh lòng, gai người như lần này. Cảm giác gần gũi mà xa xôi. Chao ôi ! Quen mà lạ quá . Quen là quen của sự trở về. Lạ là lạ của sự ra đi đối với tất cả . Tôi ngồi bệch xuống cát, duỗi chân thư thả, ngửa mặt nhìn trời, rồi nhìn đất, xóm làng, nhìn con nước buồn trôi . Trời vẫn cao xanh lồng lộng . Đất bao la rộng lớn hình như đang rùng mình chuyển động . Xóm làng nhà cửa trở thành hư không. Dòng nước thì vẫn ru êm , hát ru lời thơ mộng . Chỉ có con người mới làm cho nước trở thành quỷ dữ.
Hơn trăm năm, kể từ đời cha ông, xóm Trường vẫn luôn vượt qua muôn ngàn bão tố, nhưng có bao giờ mất mát lớn lao như thế này đâu. Cái nghèo tiếp nối cái nghèo. Biết đến bao giờ họ mới đủ điều kiện trở lại như xưa . Tôi ngồi đó tâm tư cào cấu, cắn xé nặng lòng với những người dân vô tội . Bên tai vẳng vẳng vọng về tiếng kêu tuyệt vọng, xé lòng của 21 con người trong đêm khuya đang hấp hối trôi trong dòng nước. Rồi trước mắt tôi tuổi thơ trào dâng của những buổi trưa hè cùng đám bạn, trần như nhộng được đắm mình trong dòng nước mát hiển hiện dữ dội làm sao. Hình ảnh đan xen trái ngược đưa tôi vào trạng thái bất động, mơ hồ…
Chiều nắng tắt bên sông . Nhìn về phía tây, ráng trời đỏ như màu máu. Những cánh rừng bạt ngàn giờ chỉ còn cây trồng èo uột chưa đủ lớn, yếu ớt run rẩy qua ngọn gió gầy nhom. Tôi chầm chậm dọc theo mé bờ sông thỉnh thoảng gặp một vài người quen hối hả sau một ngày dài tất bật . Đầu óc mông lung chợt nghĩ đến một bản nhạc nào đó nhắc nhở chúng ta khắc sâu hình ảnh “Trong tim ta ai cũng có một dòng sông quanh nhà . Con sông quê gắn bó vớí tuổi thơ đời tôi …” Đúng ! Sông cũng như màu mắt, cũng như con người, có lúc giận giữ vui buồn, hờn ghen theo năm tháng. Nhưng có ai ngờ rằng lần này dòng sông Kỳ Lộ đã chứa đựng cả ngàn ngàn, triệu triệu bầy lũ hung thần nhấn chìm vạn vật, sinh linh đưa về biển cả. Ôi dòng sông quê còn đâu lời yêu thương trong trắng ? Còn đâu kỷ niệm vui buồn ? Giờ chỉ còn lại tiếng thở dài, não nuột , bi ai…
Đứng trước dòng sông một thời gắn bó của tuổi thơ. Tôi muốn dang tay ôm hết vào lòng, ôm tất cả mọi thứ . Xin sông hãy tha thứ cho ta, tha thứ đứa con giữa bộn bề đổ vỡ. Ta cuối xuống chạm dòng nước mát, nghe tim mình ẩn chứa sâu thẳm cội nguồn, bỗng hừng hực rung lên bầu nhiệt huyết tình đời, tình người trong cõi hiện thực trần ai. Lòng ta nhớ ! Nhớ nhung nhiều lắm .Nhớ những gì thuộc về quá khứ . Ôi quê hương mưa nắng dãi dầu, nợ người chưa trả hết. Có gì cho ta gởi gấm niềm tin sầu muộn quê nhà…

Mùa đông kéo dài tàn úa. Cái lạnh se sắt lan toả không gian.Tôi đứa con xa quê quặn thắt với bao nỗi lòng chất chứa niềm u uất . Cầu xin trời đất, bà con xóm làng, cộng đồng xã hội vượt qua muôn ngàn gian khó. Xin cám ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã lo lắng, cưu mang giúp đỡ những người hoạn nạn để họ có cơm ăn, áo mặt, con cháu đến trường đến lớp. Mùa xuân này xin gửi đến bà con, từng gia đình bên dòng sông Kỳ Lộ lời chia xẻ, nghĩa nhân .Động viên, an ủi tận tình ,chu đáo với bao nỗi mất mát , đớn đau này. Xin đốt nén nhan lòng với những người đã khuất, mong những linh hồn thanh thản nơi chu du cực lạc. Phù hộ độ trì người thân, bà con họ tộc, làng xóm yên bình, ổn định cuộc sống, hạnh phúc lâu bền qua năm dài tháng rộng...
Dòng sông quê ơi ! Ta cuối mặt tạ từ . Bao hoài niệm chất đầy trong ký ức sẽ mãi mãi theo ta cho đến hết cuộc đời này./.

6 thg 2, 2010

TẾT CỦA NGÀY XƯA


Đã hơn nửa đời người, giờ sống nơi phồn hoa phố thị yên bề gia thất, cữ mỗi lần tết đến, cho dù có chuẩn bị đầy đủ trăm thứ mọi bề, tôi vẫn không sao quên được cái tết của ngày xưa . Những cái tết đơn sơ, trong nghèo khó mà ấm cúng lạ thường. Tuổi thơ không đầy đủ, với bao nỗi khao khát vui chơi, học hành, vùng vẫy, nhưng nào có được, vì phải cùng gia đình lo cho cái đói từng ngày, vì phải chạy giặc triền miên. Nghĩ đến đó tôi lại thấy nao lòng, thương người mẹ già suốt đời tần tảo, lam lũ vất vả một nắng hai sương nuôi chồng, con chưa một ngày thảnh thơi, sung sướng. Ba tôi theo kháng chiến từ mùa thu, rồi bị địch bắt tù đày cho đến khi hy sinh làm gì có thời gian để giúp mẹ . Ông đi biền biệt rồi nằm xuống, để lại bốn người con nhỏ dại với gánh nặng bạc đầu…
Cứ trong một năm làm lụng vất vả, đến giữa tháng chạp thì anh em chúng tôi, dành dùm ít tiền cùng với mẹ bán ít thùng lúa gom tiền đi mua cho mỗi người một bộ đồ (vải thường không tốt lắm ), đôi dép mới đem về cất kỹ. Đến ngày hai mươi bốn tháng chạp, cùng họ tộc tập trung đi dẫy mả (tảo mộ). Những ngày tiếp theo dọn dẹp nhà cửa, lau chùi, quét mạng nhện. Đem hết các loại lư, đèn bằng đồng ra đánh bóng. Hồi đó không có thuốc như bây giờ, chỉ đem ít tro bếp trộn với dầu lửa bôi lên lư đèn dùng tay quấn miếng giẻ áo rách đánh mạnh nhiều lần, đánh miết cũng sạch bóng loáng. Mẹ tôi tranh thủ ngâm chừng ba ký gạo, mang đến lò bánh tráng trong xóm, nhờ họ tráng rồi trả tiền công. Việc phơi khô thu bánh do mẹ đảm nhận. Gạo chuẩn bị để ăn tết phải xay năm thùng lúa mới đủ ăn hết tháng giêng. Tôi bê hai chiếc thùng đất để bên cửa sổ, chọn đào hai cây bông Vạn thọ bánh bò bên thềm sân đẹp nhất vô thùng, số còn lại chiều hai chín hoặc ba mươi tết cắt cắm vào các lục bình ghế thờ cùng với mâm ngũ quả, vàng bạc đồ mã. Thịt heo mẹ hùn với một số bà con trong xóm mua một con heo tạ rồi cùng nhau mổ xẻ chia đều. Thường thường cứ chiều cuối năm bà mang về năm đến bảy ký thịt. Bà chọn ra từng loại thịt để chế biến các món quay, luộc, nấu ngọt, nướng lụi, số ít dùng để nấu bánh tét . Gà nhà nuôi, làm hai con gà cồ đẹp mã, mồng cựa đầy đủ và tất nhiên phải biết gáy để cúng tất niên cho tinh khiết, thanh cao. Rau sống ở ngoài vườn hái vô đủ loại, nào dưa chuột, xà lách, tàn ô, ngò,hành, rau thơm húng đứng, húng dũi . Ăn tới đâu,hái tới đó. Rau tươi ngon phải biết . Anh tôi thì tất bật với hai con bò cho đủ rơm, cỏ ăn đến mồng bảy tết, sau đó tôi và anh, cùng thằng em tranh thủ đi cắt tóc ở tiệm ông Bảy gọn gàng, mát mẻ .Mẹ thì cứ loay hoay với chảo rim gừng, rim dừa, tối đến thì đổ bánh thuẫn . Vui nhất là mẹ bắt anh em tôi dện cốm. Gạo nếp rang xong giã nhuyễn, trộn với đường đen pha ít gừng. Dùng cái hộc hình chữ nhật bằng gỗ, đem cốm đổ vào hộc, để miếng gỗ bên trên vừa vặn kích thước với chiếc hộc, lấy chày giã gạo mỗi bên một đầu, đè mạnh xuống ,đè đến khi viên cốm dẽ, chặt mới đưa ra khỏi hộp. Năm nào cũng vậy, mẹ tôi dện rất nhiều cốm để tết Bò, và làm quà tặng một số bà con nhơn nghĩa . Chiều cuối năm công việc đã đâu vào đấy, anh em chúng tôi tắm rửa, kỳ cọ thân thể sạch sẽ. Nước giếng sử dụng xách đổ đầy thùng – vò, bà căn dặn sang ngày mồng một tết, không được thọc gàu xuống giếng ,ảnh hưởng đến sự linh thiêng của thần Hà Bá.
Cúng tất niên, không phải như bây giờ hễ qua hai ba tháng chạp, ai cúng ngày nào cũng được, ngày đó cúng nhất nhất phải là ngày tận cùng của năm cũ. Quan niệm của sự họp mặt gia đình, của sự quây quần đoàn tụ, đầm ấm, nếu cúng sớm hơn thì nó không còn ý nghĩa. Bữa ăn cuối năm, anh em chúng tôi, xả láng đã đời, với bao nhiêu là món . Quanh năm thèm khát, giờ ăn như chưa từng được ăn. Mẹ sợ các con ăn nhiều bội thực, nên lúc nào bà cũng chuẩn bị một số ít thuốc tiêu hoá để phòng ngừa đau bụng. Khi ăn bà căn dặn đủ điều, từ cách đi đứng nói năng, đến giao tiếp phải nhẹ nhàng lịch thiệp. Nhất là sáng mộng một tết không được mở tủ, quét nhà, không được đùa giỡn, la hét.Tuyệt đối không được đến nhà ai, lỡ gia đình họ có chuyện gì, thì tiếng oan đổ cả năm không nước sông nào rửa hết. Tối đến trên bàn thờ ông bà, tổ tiên khói nhang nghi ngút, đèn dầu, nến đốt lên sáng rực. Anh em tôi ngồi nhìn mẹ hoàn tất những chiếc bánh in dang dở, chờ đón giao thừa .
Không điện, không truyền hình, không thông tin liên lạc, chờ đợi thời gian trôi đi từng khắc, từng khắc mới thấy hết ý nghĩa của sự rạo rực linh thiêng đến khó tả . Ngày đó ngây thơ tôi hỏi : Sao tết năm nào ba cũng không về hả mẹ? làm bà sững người rất lâu, trên khoé mắt ẩn chứa giọt lệ cố giấu chảy ngược vào trong, bà bảo rằng “ ba của các con ở xa, xa lắm không về được”. Những lúc vậy, anh trai tôi biết lảng sang chuyện khác vì sợ làm bà buồn .Còn tôi cố gắng đi ra, đi vào cho đỡ buồn ngủ . Thỉnh thoảng lấy quần áo mới ướm thử, mang dép đi đi lại lại trông thật buồn cười.
Hồi hộp chờ đợi, rồi cái gì nó cũng đến. Thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới cũng diễn ra .Cái cảm giác đầu tiên đón giao thừa tim tôi rung lên bần bật . Bầu trời đêm rực sáng hoà vào âm thanh của đất đến mê ly. Đón nhận trời đất giao mùa chừng độ mười phút, mẹ sắp bánh ngọt lên bàn thờ đốt nhan khấn vái, kêu chúng tôi ăn thêm gì đó rồi đi nghỉ
Đêm của ngày mới, năm mới đã bắt đầu. Tôi ngủ một giấc ngon lành, không mộng mị . Sáng ra mẹ dậy sớm, lo mọi thứ để cúng đầu năm. Tôi cảm thấy người rạo rực lâng lâng, khó tả làm sao . Ăn sáng xong, nai nịt quần áo, dép mới xỏ ngay. Mẹ lì xì cho các anh em tôi mỗi đứa mười đồng căn dặn chỉ chơi quanh quẩn đâu đó, không được đi xa. Tôi háo hức nhận tiền lao ngay ra đầu ngõ thì gặp đám bạn trang lứa có lẽ tâm trạng cũng giống như tôi cùng nhau vi vu của ngày đầu xuân nắng ấm.
Trong ba ngày tết, muốn đến địa điểm có nhiều trò chơi như lô tô, bài chòi, ném vòng, phóng phi tiêu… chúng tôi phải cuốc bộ từ năm đến bảy cây số,vậy mà đi cả ngày cũng không biết chán. Bạn nào có chiếc xe đạp sướng như tiên, cùng nhau đi ké . Chơi mỏi về nhà ăn, rồi lại đi. Nhoáng đi nhoáng lại hết tết liền. Rồi mồng bốn cúng tạ, tết bò. Mồng bảy hạ niêu. Tôi cảm thấy tiên tiếc,níu kéo khi chơi chưa đã thèm . Lại phải bước vào trăm công nghìn việc của một năm nữa bắt đầu ...
Chao ôi ! Cứ mỗi độ xuân về, tôi lại ướt ao quay về ngày xưa để đón nhận những cái tết tuổi thơ rực lửa nhớ đời.

Xuân Canh Dần