19 thg 2, 2009

XIN ĐỪNG PHÁN XÉT VÔ TÂM


Ở Phú Yên có nhiều mẫu chuyện văn chương tầm phào, vô bổ , nhắc đến cười ra nước mắt . Trước đây có các bài thơ “ Ông già ” của Thanh Quế , “ Ngọn cỏ tịch điền ” của Trần sĩ Huệ, tiếp theo “ Nếu không muốn đi hết một con đường ”của Nguyễn Phong Việt tất cả đều đem ra phán xét là những bài thơ có vấn đề về “ chính trị ” . Rồi vụ việc cũng được các cơ quan chức năng vào cuộc, thẩm định đi đến kết luận không có vấn đề gì . Nhưng trước khi kết thúc nghi án văn chương của thơ ca, có không ít chuyện nổi đình, nổi đám, tốn bao giấy mực giới văn nghệ sĩ, làm nản lòng những người cầm bút nhiệt huyết của Phú Yên . Gần đây một sáng mùa xuân, tôi mở email nhận được bức thư của bác Nguyễn Kiến Thiết ( Tức Bảo Nhân )ở Phường 9 – TP Tuy Hoà, nội dung khen chê bài thơ lục bát “ Vọng Làng ” của tác giả Đào Tấn Trực đoạt giải nhất cuộc thi thơ của Phú Yên năm 2008.
Thật ra ở đây, tôi chưa nói đến nội dung bài thơ hay-dở , chỉ nói ở khía cạnh nhân tình và pháp lý trong văn chương. Không biết bác Bảo Nhân có thành kiến gì với Đào Tấn Trực hay không ? Hoặc giả bác có cho rằng Hội đồng chấm giải chung kết cuộc thi thơ chưa thật sự sáng suốt thi cũng không nên xoi mói chuyện vặt vãnh bằng hành động gửi thư khắp nơi, gây tác động tâm lý hậu phán xét, gây phản cảm dư luận. Bác làm như thế được gì ? Trong khi cuộc thi thơ đã kết thúc . Giải đã trao, công luận cũng đã đón nhận . Mọi vấn đề gì đều phải tôn trọng sự thật khách quan . Những năm trước đây các cuộc thi thơ, truyện ngắn của Phú Yên đều do các nhà thơ, nhà văn Phú Yên chấm giải. sau đó có nhiều ý kiến lời ra, lời vào cho rằng họ chấm theo tác giả chứ không theo nội dung sáng tác. Nói gì thì nói cuối cùng cũng phải chấp nhận, tôn trọng hội đồng. Chính vì thế nên cuộc thi thơ lần này Hội liên hiệp VHNT Phú Yên đã chủ động mời nhà văn, nhà thơ của hai tỉnh bạn là Bình Định và Khánh Hoà tham gia hội đồng chung khảo. Hổng lẽ họ cũng chấm theo tác giả nữa sao .
Trong lời thư của bác Nhân nói rằng một số thi hữu Phú Yên ý kiến “ Bài thơ này mà nhất thơ 2008 thì vô tình hạ thấp (chưa đến nỗi hạ nhục ) vùng thơ đất Phú ...” Theo thiển ý của tôi, đây chỉ là suy nghĩ nông cạn của bác. Tôi chưa nghe nhà thơ nào của Phú yên phản ảnh như thế . Nếu có ai đó thì họ là những người vô tâm, tự chửi vào mặt mình . Một bài thơ hay hoặc dở của một cuộc thi đâu có ảnh hưởng gì đến vùng thơ đất Phú . Vô hình dung đi đánh đồng một bài thơ với cả vùng thơ thì thử hỏi các nhà văn, nhà thơ và những người yêu thơ chân chính của Phú Yên khộng sỉ nhục là gì ?
Xin nhắc lại đôi điều về nội dung bài thơ giải nhất . “ Vọng làng ” sáng tác theo thể lục bát, gồm 18 câu . Tác giả hoài niệm ,ký ức về quê hương đồng nội. Tuổi thơ tuyệt đẹp, êm đềm. Chuyện quá khứ có chút ray rứt, nhớ nhung. Đối với câu từ, cú pháp gọn gẽ, hợp lý bao hết hàm ý, trọn vẹn tính nhân văn. Chất thơ đầy tính văn học. Có bốn câu thơ cuối bác Bảo Nhân chê tác giả tự “ đốt lưới nhà ”. “ Mẹ giờ đã hoá mùa thu . Câu ca dao cũ hình như lỡ làng ”. Ông cho rằng ca dao dù có lâu đời đi chăng nữa cũng không bao giờ cũ . Rồi viện dẫn hai câu “ Công cha như núi thái sơn . Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra ”đi đến phân tích kết luận “không lẽ những hoài niệm, có cha sinh mẹ dưỡng đầy ắp kỷ niệm bây giờ lại lỡ làng sao ? Không lẽ trong cơ chế thị trường thì những lời giáo huấn cho con cháu phải biết đến công sinh thành cha mẹ lại lỗi thời ư ? ”.
Xin thưa với bác Nhân rằng có lẽ bác đã hiểu nhầm ý của tác giả về hai câu thơ này. Ca dao cũ ngày xưa mẹ dạy cho con rất nhiều câu, đủ mọi lĩnh vực, chứ không phải như hai câu bác đã dẫn chứng. Chính vì lẽ đó khi tác giả trưởng thành vào đời, còn có nhiều điều thực hiện chưa được trọn vẹn, nên còn ray rứt khi người mẹ đã khuất. Những câu ca dao răn dạy của mẹ ngày xưa, tác giả liên tưởng “hình như lỡ làng ” nhằm mục đích xác nhận lỗi lầm, ân hận điều chưa làm được để tạ lỗi với mẹ . Còn hai câu cuối tiếp theo “ Huơ bàn tay gọi đò sang. Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa ”. Bác Nhân cho rằng thơ tả không thực. Ở Phú Yên làm gì có cổng làng . Tác giả chỉ là con mọt sách . Ông bảo phải ra tận miền bắc mới có cổng làng thực tế . Nói như bác thì thơ ca sáng tác hay làm sao được. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ nhiều nhà văn, nhà thơ đâu có ra trận, chỉ nghe người thân, người yêu, đồng đội kể lại rồi hình dung cảnh vật, diễn biến họ vẫn sáng tác nhiều tác phẩm hay, để đời đâu phải nhất thiết phải có cổng làng thật thơ mới hay như bác nói . Còn nữa ! Bác khẳng định rằng ở Phú Yên không có cổng làng là không đúng . Đến các thôn, buôn trên toàn tỉnh nơi nào cũng có cổng làng hẳn hoi . Cổng để bản hiệu đề chữ : Thôn, buôn văn hoá .... Mặc dù nó không được xây dựng bằng gạch, vòm mái lá hoành tráng như miền bắc, nhưng chúng ta cũng phân biệt được đường vào thôn, buôn bằng chiếc cổng tượng trưng trên có lá quốc kỳ, sao bác mơ hồ đến thế. Nếu có nhìn nhận điều hãy cẩn trọng.
Đầu năm mãn phép tản mạn đôi dòng về câu chuyện văn chương . Thơ ca cốt để làm trong sạch tâm hồn . Xin đừng phán xét vô tâm, điều không cần thiết . Dưới đây được trích trọn vẹn bài thơ của tác giả Đào Tấn Trực, đoạt giải nhất cuộc thi thơ năm 2008.

VỌNG LÀNG

Có đi về phía con đường
Mới xa xóm vắng mới thương quê nghèo
Ngày đi câu hát đi theo
Thị thành mơ mảnh trăng treo vườn nhà

Mười bảy tuổi tạm cách xa
Em toan tính chuyện bước qua lời nguyền
Đất nồng còn một chút duyên
Buộc quê với phố buộc thuyền với sông
Buộc tôi với luống cải ngồng
Bãi bồi ai đắp cho đồng phù sa

Nằm nghe con sóng quê nhà
Một vùng ký ức khói là là bay
Trăng nghiêng xuống ngọn tre gầy
Rạ rơm sương khói quyện đầy lời ru

Mẹ giờ đã hóa mùa thu
Câu ca dao cũ hình như lỡ làng
Huơ bàn tay gọi đò sang
Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa…

1 nhận xét:

Đào Đức Tuấn's Blog nói...

RẤT BUỒN KHI THẤY LIÊN TỤC NHỮNG PHÁN XÉT NHƯ THẾ. LÀ NGƯỜI LÀM VĂN NGHỆ, TÔI RẤT MUỐN "BẺ BÚT" KHI NGHE NHỮNG NHẬN ĐỊNH KIỂU NÀY