15 thg 9, 2009

DƯƠNG TẤN KHỞI -tướng cướp chống chế độ huyền thoại một thời


Trước năm 1975 ở tỉnh Phú Yên và các tỉnh ven biển nam trung bộ, nói đến Dương Tấn Khởi không ai không biết . Người ta gọi anh là tướng cướp độc thân, không băng đảng, không bè phái, không có một đàn em để tâm sự, hỗ trợ khi trái gió trở trời. Cả một đời làm tướng cướp, chưa khi nào cướp của dân nghèo. Anh chỉ nhằm vào các nhà tư sản, các tên sĩ quan quân đội Việt Nam công hòa để khống chế, tiêu diệt hoặc kiếm chát mỗi khi thiếu tiền . Dương Tấn Khởi có biệt tài “ xuất quỷ nhập thần ”. Anh vào ra trại giam như cơm bữa, không ai có thể ngăn cản được anh . Mọi hành vi hoạt động của Dương Tấn Khởi được người đời và đám sĩ quan chế độ cũ nâng lên, nâng lên trở thành huyền thoại và cho rằng anh là người tàng hình . Mãi đến sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, bỗng dưng anh mất tích . Sự việc tưởng chừng đi vào quên lãng, tình cờ tôi đang xử lý một vụ án dân sự với Dương Tố Dũng là em ruột của Dương Tấn Khởi và tại đây anh Dũng đã lần lượt chắp vá kể về anh mình không ngần ngại . Để đảm bảo thông tin cần độ chính xác, liên tiếp các ngày sau tôi lặn lội gặp những người thân còn sống của Dương Tấn Khởi như cha ruột, anh ruột , vợ cũ và một số bạn bè chiến hữu của anh để tìm hiểu thêm. Thật thú vị và bất ngờ, cuộc đời của Dương Tấn Khởi đầy nỗi gian truân , chìm nổi không có giấy bút nào tả xiết…
Dương Tấn Khởi tên tục Dương Kiều , sinh năm 1951 tại Thôn Cẩm Thạch – Xã Hòa Định Tây - Huyện Phú Hòa – Phú Yên trong một gia đình nông dân nghèo. Cha anh là Dương Nông hiện nay đã 90 tuổi . Mẹ là Nguyễn Thị Khéo qua đời cách đây hai năm . Ông bà có năm người con . Dương Tấn Khởi là con thứ ba. Năm 1964 cụ Dương Nông tham gia hoạt động cách mạng làm thôn đội trưởng . Lúc bấy giờ do chiến tranh các liệt, nên vợ ông Nông và các con tản cư xuống sống tại làng Đông Phước ngoại ô Thị xã Tuy Hòa ( nay là thành phố Tuy Hòa ). Năm 1967, vì sợ các con bị bắt đi lính nên ông Nông đã lén về dẫn Khởi và Phụng là hai con lớn đi theo cách mạng . Không chịu đựng được gian khổ ở mật khu của cách mạng, hơn năm sau Dương Tấn Khởi bỏ trốn về với mẹ. Thường ngày đi làm thuế kiếm sống, lên phía miệt Hòa Quang ngao du sơn thủy. Lang bạt thế nào Khởi gặp được một ông thầy dạy võ cổ truyền và môn thần quyền ( Bùa Nam Ông ), sau đó tiếp tục học võ người thầy tên Huỳnh Trọng tại Hòa An. Sẵn có căn cơ tốt, nên Khởi tiếp thu, học giỏi chẳng mấy chốc anh rất gỏi võ. Ngày Khởi tạ từ lò võ, ông thầy ở Hòa Quang tặng cho anh một chiếc phái (bùa) để đeo trong người phòng hộ thân .
Năm 1969 Dương Tấn Khởi bị bắt đi lính . Lúc đầu đưa vào lính địa phương quân, đại đội 309 . Đi lính, Khởi thường xuyên bỏ ngũ, nên bọn chúng bắt anh giam nhà lao Khu Chiến (Trại tạm giam công an Phú Yên hiện nay ). Không biết lầy cầy thế nào Khởi ra khỏi trại chộp được khẩu M.79 và dây đạn, anh bắn liền ba quả vào khu trại, làm bị thương mấy tên cai ngục. Thiếu tá Tòng giám thị trưởng mặt xanh như tàu lá, kêu trời kêu đất. Sau lần ấy bọn tình báo thấy anh giỏi võ nên tuyển chọn, chuyển sang lính Biệt kích Lặn lội, nằm mãi nơi khỉ ho cò gáy “ Đồng Tre – Xuân Phước” Dương Tấn Khởi bức quá bỏ trốn về Tuy Hòa ăn chơi hết ngày này sang ngày khác. Bọn chỉ huy trung đội biệt kích đang ráo riết tìm anh, thì một chiều đầu năm 1970, sau khi uống vài chai bia Con cọp( Khởi ít uống bia chủ yếu Cocacola ), Khởi mặc thường phục đi thắng về phía đầu đường Trần Hưng Đạo. Lúc bấy giờ đoạn đường đó bị cấm, bỡi xung quanh là chi khu cảnh sát. Phía tây đường, cách con suối là đồng ruộng, ở đầu đường có một chiếc bót gác. Khi Dương Tấn Khởi đi đến đó bị cảnh sát chặn lại hỏi giấy tờ. Sẵn có hơi men, cộng với thái độ xấc xược của viên cảnh sát, Khởi rút súng col45 hạ gục ngay tên đó, và anh chạy về phía bót gác nện một viên nữa hạ ngay tên lính đang ôm khẩu Đại liên . Đám cảnh sát chưa kịp hoàn hồn, thì Khởi đã vọt lên vọng gát, xây ngược khẩu Đại liên về phía đường Trần Hưng Đạo, khi cả trung đội cảnh sát đến bao vây. Khẩu đại liên nhả đạn khoảng mười lăm phút, bọn cảnh sát ngã lai thần tướng, tháo chạy có cờ. Vì trời tối nhấp nhá, nhấp nhem không ai thấy Khởi đi hướng nào. Phút chốc kiểm tra bót gác, khẩu đại liên bị bẻ cong nòng cùng vỏ đạn rơi vãi tứ tung . Bọn cảnh sát chi khu Tuy Hòa tức điên lồng lộng.
Cuộc đời Dương Tấn Khởi kể từ đây bước sang một bước ngoặc mới. Anh chính thức dấn thân vào con đường giang hồ. Ngay ngày hôm sau, người ta phát hiện Dương Tấn Khởi có mặt tại Nha Trang với bộ quân phục màu xanh, quân hàm Thiếu úy. Cũng trong ngày hôm ấy, tại quán nhậu Biển Xanh,chủ quán phát hiện một người đàn ông ở trong toalet, trên người chỉ mặt mỗi chiếc quần đùi, mồm bị nhét giẻ. Hỏi ra mới biết hắn ta sĩ quan từ sư đoàn 22 mới về nghỉ phép. Ở Nha Trang đâu được tuần lễ, Khởi gây náo loạn với đám sĩ quan hùng hùng, hổ hổ chuyên ăn nhậu quậy phá dân lành . Anh bắn bể đầu tên Trung úy lính dù Chín thẹo khét tiếng, đang ra sức tung hoành lão lượt.
Bị quân cảnh thep dõi, bố ráp dữ quá, Khởi lại về Phú Yên . Tại Phú Lâm - quận Hiếu Xương ( giờ Phường Phú Lâm – TP Tuy Hòa ), khởi gặp tên Đại úy Bổn – chi khu trưởng xin ít tiền tiêu đỡ. Bổn không cho, còn hù dọa, lập tức Khởi rút súng kề lỗ tai, tên Bổn run như cầy sấy dạ rối rít, móc túi giao cho anh hai nghìn đồng . Chiều tối đêm đó Khởi và Nguyễn Trí ghé thăm cô Bảy ( Trí là em bà con họ ngoại với Khởi ), người tình của anh tại khu định cư Đông Tác ( ngày nay là Phường Phú Đông – TP Tuy Hòa ) . Trí là người tháp tùng theo Khởi một thời gian rất dài kể rằng , bước vào nhà đâu được mười phút, cô Bảy rót nước chưa kịp mời, thì tiếng còi xe cảnh sát , quân cảnh hú liên hồi, toàn bộ khu vực đã được một trung đội cảnh sát áo trắng, và một trung đội cảnh sát dã chiến bao vây. Khởi chần chứ, đắn đo giây phút rút súng ngắn lên đạn, yêu cầu cô Bảy mở cửa hậu, Trí kè bên cạnh. Cửa bật mở, Khởi nổ hai phát , tên cảnh sát chặn cửa hậu ngã gục, Trí chạy trước, Khởi chạy sau, đạn bắn theo rào rào như vãi trấu, nhưng chẳng ăn thua, họ vượt qua mấy lớp rào bàn chải mất biệt . Viên cảnh sát lãnh đạn, vết thương nặng quá nên đã chết tại bệnh viện .
Để ngụy trang, tạo vỏ bọc, Dương Tấn Khởi âm thầm đăng ký đi lính biệt động quân. Tìm mãi không ra manh mối, chính quyền sở tại Phú Yên ra thông cáo, ai biết Khởi ở đâu chỉ chỗ sẽ được nhận thưởng . Đang huấn luyện tại quân trường Lam Sơn chuẩn bị đưa ra mặt trận, Khởi bị thằng bạn tên là Hòa( tự Xỏ) vì ham tiền nên bán đứng anh. Thế là Khởi bị bắt đưa về nhà lao chi khu cảnh sát Tuy Hòa. Hai hôm sau không biết lý do nào Khởi đã trốn trại đi mất, báo hại tên giám đốc nhà lao bị lột hết một lon . Chỉ trong vòng ba tháng trên địa bàn Tuy Hòa bọn sĩ quan chế độ cũ luôn nơm nớp lo sợ khi gặp phải anh, và một chiều mùa thu anh bị hai tên cảnh sát mật, khống chế bắt tại nhà riêng ở Đông Phước, khi trong tay Khởi đang cầm một quả lựu đạn. Lần ấy anh không muốn liên lụy đến gia đình và hàng xóm, nếu không hai viên cảnh sát cũng sẽ bị banh xác. Lại đưa vào nhà lao chi khu. Tối bọn cảnh sát canh giữ nghiêm ngặt, nhưng nửa đêm tên giám thị trực thấy Khởi nằm ngủ ở hội trường, bật quạt máy chạy mát mẻ, bọn chúng tản hồn chả biết Khởi ra bằng cách nào. Viên cai ngục cứ để nguyên cho Khởi ngủ, sáng hôm sau năn nỉ xin anh đừng bỏ trốn, tội nghiệp, anh đi tụi tôi hết đường sống. Khởi gật đầu, đã nói thì không làm . Với những thành tích bất hủ của Dương Tấn Khởi – Trung tá Bửu Hạp - tỉnh trưởng Phú Yên tức khí chửi bởi ầm ĩ , lệnh cho bọn đàn em , bắt Khởi bỏ bao tải dùng máy bay lên thẳng đem đổ biển. Chả hiểu bằng đường dây thông tin nào, mà tổng nha Cảnh sát đô thành Sài Gòn lúc bấy giờ biết, lệnh cho Bửu Hạp không được giết Khởi –Lý do vi phạm nhân quyền, nếu có tội phải xử lý theo pháp luật .Nửa tháng sau anh được đưa vào quân lao Nha Trang thụ lý án . Tại nhà lao này thiếu tá Hiển giám đốc trại lại đi năn nỉ Khởi, “đừng trốn, anh muốn gì tôi đáp ứng hết ”. Hết chỗ nói, ở trong trại Khởi đòi hỏi chả thiếu gì, bia, thuốc lá thơm, rượu ngoại mặc sức hút, uống xả láng . Đi tù mà như đi du lịch.
Cũng trong thời gian này trên địa bàn Phú Yên xảy ra hai vụ trọng án. Tại Chí Đức – Tuy An có người con gái bị một tên trùm kín mặt hiếp dâm, phía đồng ruộng , khi người cha phát hiện, hắn đã nổ súng giết chết rồi tẩu thoát . Rồi gần phi trường Đông Tác – Phú Lâm, cũng một người lạ nhờ xe thồ chở đi về hướng Đèo Cả . Trên đường đi, cũng đã bị bắn chết, cướp mất xe. Hai vụ án đã làm đau đầu các nhà điều tra. Cuối cùng các vị luật sư, bồi thẩm đoàn của tòa án Phú Yên kết luận do Dương Tấn Khởi thực hiện. Cũng có người phản bác ý kiến, Khởi đã bị bắt giam làm gì có điều kiện gây án nhưng họ cứ viện dẫn cho rằng Khởi tàng hình trốn trại về Phú Yên gây án sau đó qua trở lại trại.Thật hoang đường, họ đâu có biết lúc này Khởi đang rung đùi , sung sướng tại quân lao Nha Trang do tên Hiển chiêu đãi từng ngày và thiếu tá Hiển cũng đã xác nhận với giới báo chí bằng chứ ngoại phạm. Vụ việc trên nhân dân Phú Yên đã đổ oan cho Dương Tấn Khởi, đến bây giờ ai là thủ phạm vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn.
Đầu năm 1971, Khởi được đưa vào khám Chí Hòa, sau đó ra Côn Đảo, cuối năm bỗng dưng anh lù lù xuất hiện ở quê nhà với quân hàm đại úy thủy quân lục chiến. Gia đình họ tộc quá bất ngờ trước sự trở về của Khởi . Cha anh, cụ Nông có hỏi vì sao về được ? Khởi tâm sự : Mới đầu bọn cai ngục xiềng xích chặt, canh phòng nghiêm ngặt dữ quá, dần dà thấy không gì đáng ngại, nên bọn chúng tháo xích, sinh hoạt bình thường. Đêm đêm Khởi thường trốn khỏi trại đi dạo, tình cờ nghe được có chiếc ca nô cao tốc chuẩn bị về đất liền. Anh nghĩ ngay tới việc thoát thân . Rạng sáng đêm trước Khởi ém mình trên chiếc ca nô .Bảy giờ rưỡi , tên Đại úy Phương ung dung thong thả lên thuyền cùng với tên tài công. Bằng động tác võ thuật điêu luyện, Khởi trói ghô tên Phương lại, và không chế tài công một cách êm ru, đồng thời cho ca nô chạy ra biển . Khi đã cách xa đảo, Khởi lột hết quần áo Phương cùng giấy tờ, quân lệnh tùy thân , rồi anh ném hai người xuống biển. Một mình tức tốc về Sài Gòn. Đến đâu, Khởi cũng được chào đón rầm rập với mác đại úy . Lần ấy cụ Nông có nhắc nhở Khởi : “ Con làm gì thì làm miễn có lợi cho cách mạng là được, đừng bao giờ sát hại dân lành ”. Khởi khắc sâu lời cha dạy. Giữa năm 1972, Khởi cưới vợ, sinh được đứa con trai . Sau đó anh bị bắt trở lại, đưa vào quân lao Nha Trang, năm 1974 vợ có bồng con vào thăm. Lần này Khởi bị xích tay, cùm chân biệt giam vĩnh viễn vị sợ anh tiếp tục trốn.
Hiện nay cha ruột Dương Nông, anh em ruột như Dương Minh Phụng, Dương Tố Dũng, Dương Tô Rê, em họ Nguyễn Trí của Khởi đang làm nông tại thôn Cẩm Thạch – Xã Hòa Định Tây - Huyện Phú Hòa – Phú Yên . Vợ cũ Đào Thị Ẩn và con trai đang sống tại Thôn Thọ Vức – Xã Hòa Kiến – TP Tuy Hòa – Phú Yên và một số chiến hữu tham gia chế độ cũ họ đều thừa nhận Dương Tấn Khởi tên tướng cướp chống chế độ Việt nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu là có thật. Ra vào trại giam như cơm bữa là có thật. Trốn tù côn đảo không ai chối cãi. Còn việc anh đi như thế nào, bằng tà thuật gì chả một ai biết. Trước đây gia đình họ tộc có hỏi Khởi, anh chỉ đáp mỗi câu “ Khi đi mình thấy nó, chứ nó không thấy mình ”. Cũng có huyền thoại thêu dệt rằng , lúc Khởi theo cha ở rừng, hàng ngày, hàng giờ anh mật phục xem vết bùa của loài chim Gõ Kiến chuyên vẽ lên cây đục gỗ để ăn kiến . Đọc được vết bùa đó người sẽ tàng hình. Xem ra việc này không có cơ sở khoa học.
Ngày 02/4/1975 Khánh Hòa được giải phóng, Quân lao Nha Trang bị phá vỡ , Khởi ra khỏi trại có đi tìm anh Trí, vì lúc đó gia đình Trí ở Nha Trang, nhưng không gặp. Nghe đâu sau đó Khởi cùng ba người bạn tù cướp chiếc xe ô tô của tên tỉnh trưởng Khánh Hòa chạy về phía Cam Ranh, trên đường đị, quân giải phóng tưởng đâu đám sĩ quan ngụy giả dạng dân thường tẩu thoát, nên đã thổi một quả B40 cả xe và người tan tành mây khói. Anh Dũng, anh Trí và cụ Nông khẳng định Dương Tấn Khởi đã chết, nếu còn sống thì anh cũng đã trở về./.

Không có nhận xét nào: