9 thg 2, 2013

TÌM LẠI DẤU VẾT TRÒ CHƠI TUỔI THƠ

Không phải đợi đến mùa xuân tôi mới trở về. Dự định này tôi đã ấp ủ từ lâu, nhưng chưa có dịp. Mùa tảo mộ năm nay, tôi đi tìm quá khứ. Tìm dấu vết của tuổi thơ mà tôi đã lạc mất mấy chục năm ròng.
 Quê nhà tôi nằm bao bọc bỡi những luỹ tre xanh, đường làng như một mũi tên rời khỏi dây cung, bay mải miết. Đám trẻ cùng thời với tôi, chơi với nhau lúc còn mặc quần thủng đít, giờ tóc đã điểm sương, con cháu đuề huề. Ngồi ôn lại chuyện xưa, hỏi đến những trò chơi trẻ em ngày cũ, các bạn tôi cười như nắc nẻ, bảo rằng tôi là đồ ngớ ngẩn, dở hơi. Ông như người ngoài hành tinh mới xuống. Quên đi ông! Trẻ em bây giờ đâu còn mò cua, bắt ốc. Đâu còn lùa bò trâu đến các nghĩa địa gặm cỏ, đâu thả diều trên cánh đồng lúa vừa gặt xong. Bọn nhỏ chỉ biết vùi đầu vào sách vở, cắm đầu vào internet thâu đêm với những trò chơi trực tuyến, mang tính bạo lực thì thử hỏi thời gian nào để các em chơi những trò chơi dân giã. Thời trẻ của chúng mình, với những buổi trưa không ngủ, ngày thì mải miết ở đồng xa, đêm như dài ra, chơi không biết chán. Chơi đến độ quên ăn, say mê bỏ trâu bò ăn lúa bị người ta bắt đền. Nhiều khi bị bố mẹ dần cho những đòn roi cháy đít cũng không chừa.
Tôi thật sự bị sốc với những lời lẽ cay nghiệt của đám bạn. Sao cha mẹ không hướng cho các em quay về trò chơi truyền thống. Đúng là nói chuyện bông phèng. Bọn trẻ có chơi, nhưng chúng nó không tìm hiểu ý nghĩa của từng trò chơi và tạo ra điềm đam mê, thì chơi một lúc là chán ngay. Tôi lang thang về phía Gò Vôi, Gò Dưa, Gò Rừng nơi từng chăn bò năm tháng với hai loại trò chơi “U quạ, Đánh quạ ” đã khắc sâu vào tâm khảm. Dừng trước hai cây Bồ Đề hơn ba trăm năm tuổi bên cạnh ngôi đình mà tôi và đám bạn một thời “đánh trổng” bằng các hình phạt chém trổng lỡ tay bay hòn trổng trúng bạn đến phun máu đầu, vậy mà đứa nào mặt cũng cười tươi, đưa bạn về nhà băng bó.  Đi về phía Đồng Thành xa hun hút, ngôi mộ cổ vẫn còn đó. Đồng lúa vẫn xanh rì rào, thì thầm với biết bao lời tình tự. Nhớ làm sao những trận giả đánh nhau với bọn trẻ người khác xã, chuyến tuyến giữ hai phe là dòng suối nước đục ngầu. Chiến thắng bao giờ cũng kèm theo chiến lợi phẩm. Khi thì vài chiếc giỏ mồm tre (dùng đế đeo vào miệng bò), khi thì vài trăm viên bi đất sét phơi khô thu của đối phương. Đặc biệt khi bắt được “tù binh” thì lột áo, chỉ để lại quần đùi rồi cho về bên kia chuyến tuyến. Nhiều lúc có tù binh, sau khi bị lột áo bỗng nhiên khóc như mưa, hỏi ra mới biết về nhà sợ đánh đòn. Nghĩ tới cảnh thằng Sao “cu lửa” bị mất hai chiếc giỏ mồm bằng dây mây chà phun, bố nó mới đan được hai ngày, hắn nằm vật vã trên thửa ruộng khô, tôi thương nó mà không biết phải làm sao. Chao ôi! Nỗi nhớ sao mà cồn cào đến máu thịt, thứ tự ùa về. Tôi người như đi trên mây gió, bước thấp bước cao bỗng dưng thèm nghe tiếng chim chiền chiện (sơn ca) hót lảnh lót vút trên trời chiều, rồi buông mình giữa không gian xanh thẳm. Thèm nằm dài trên thảm cỏ ngửa mặt nhìn trời, mắt mơ màng xa xôi với những ý nghĩ viển vông trong tương lai mà sau này mình không bao giờ đạt được.
  Trong ngút ngàn ký ức tôi nghe nhiều tiếng hò hét, tiếng chửi nhau, tiếng hát đồng dao hoà mình pha lẫn trong tiếng gió nồm chiều phần phật. Cảm giác mê ly, bay bổng của ngày xưa, ngày nay đan xen lẫn lộn…
Tôi sực tỉnh quay về làng khi trời chiều sắp bắt đầu buông sắc nắng. Làng xóm bây giờ đổi thay nhiều lắm. Không còn nhà tranh vách đất như xưa. Gia đình ai cũng có cơm ăn, áo mặc. Đường đất đã được bê tông hoá hoàn toàn. Ngõ vắng nhưng không xôn xao, cũng chả thấy khói lam chiều lên chơi vơi, bỡi bây giờ nhà nào cũng xài bếp ga, bếp điện, chỉ còn một vài người nấu củi. Tôi đứng rất lâu bên cây Duối trước cống nhà, nó đã già nua, hiên ngang sững sững chứng kiến biết bao đổi thay của cuộc sống. Là nhân chứng cho bao lớp người sinh ra và lớn lên vui chơi từ thuở ấu thơ, cho đến lúc ra đi mang theo cả một miền ký ức. Tôi thầm tiếc cho lớp trẻ bây giờ đâu còn những trò chơi tuổi thơ đầy dấu ấn. Có lẽ ký ức của họ sau này chỉ còn geam online và điện tử
Tôi ung dung bước vào nhà khi đêm đã lên đèn. Mẹ tôi loay hoay với đống lá chuối, chuẩn bị gói bánh tét, bánh chưng. Tôi lại ngồi bên mẹ nghe bà tâm sự và nói những chuyện tết của ngày xưa./.

Không có nhận xét nào: