6 thg 2, 2010

TẾT CỦA NGÀY XƯA


Đã hơn nửa đời người, giờ sống nơi phồn hoa phố thị yên bề gia thất, cữ mỗi lần tết đến, cho dù có chuẩn bị đầy đủ trăm thứ mọi bề, tôi vẫn không sao quên được cái tết của ngày xưa . Những cái tết đơn sơ, trong nghèo khó mà ấm cúng lạ thường. Tuổi thơ không đầy đủ, với bao nỗi khao khát vui chơi, học hành, vùng vẫy, nhưng nào có được, vì phải cùng gia đình lo cho cái đói từng ngày, vì phải chạy giặc triền miên. Nghĩ đến đó tôi lại thấy nao lòng, thương người mẹ già suốt đời tần tảo, lam lũ vất vả một nắng hai sương nuôi chồng, con chưa một ngày thảnh thơi, sung sướng. Ba tôi theo kháng chiến từ mùa thu, rồi bị địch bắt tù đày cho đến khi hy sinh làm gì có thời gian để giúp mẹ . Ông đi biền biệt rồi nằm xuống, để lại bốn người con nhỏ dại với gánh nặng bạc đầu…
Cứ trong một năm làm lụng vất vả, đến giữa tháng chạp thì anh em chúng tôi, dành dùm ít tiền cùng với mẹ bán ít thùng lúa gom tiền đi mua cho mỗi người một bộ đồ (vải thường không tốt lắm ), đôi dép mới đem về cất kỹ. Đến ngày hai mươi bốn tháng chạp, cùng họ tộc tập trung đi dẫy mả (tảo mộ). Những ngày tiếp theo dọn dẹp nhà cửa, lau chùi, quét mạng nhện. Đem hết các loại lư, đèn bằng đồng ra đánh bóng. Hồi đó không có thuốc như bây giờ, chỉ đem ít tro bếp trộn với dầu lửa bôi lên lư đèn dùng tay quấn miếng giẻ áo rách đánh mạnh nhiều lần, đánh miết cũng sạch bóng loáng. Mẹ tôi tranh thủ ngâm chừng ba ký gạo, mang đến lò bánh tráng trong xóm, nhờ họ tráng rồi trả tiền công. Việc phơi khô thu bánh do mẹ đảm nhận. Gạo chuẩn bị để ăn tết phải xay năm thùng lúa mới đủ ăn hết tháng giêng. Tôi bê hai chiếc thùng đất để bên cửa sổ, chọn đào hai cây bông Vạn thọ bánh bò bên thềm sân đẹp nhất vô thùng, số còn lại chiều hai chín hoặc ba mươi tết cắt cắm vào các lục bình ghế thờ cùng với mâm ngũ quả, vàng bạc đồ mã. Thịt heo mẹ hùn với một số bà con trong xóm mua một con heo tạ rồi cùng nhau mổ xẻ chia đều. Thường thường cứ chiều cuối năm bà mang về năm đến bảy ký thịt. Bà chọn ra từng loại thịt để chế biến các món quay, luộc, nấu ngọt, nướng lụi, số ít dùng để nấu bánh tét . Gà nhà nuôi, làm hai con gà cồ đẹp mã, mồng cựa đầy đủ và tất nhiên phải biết gáy để cúng tất niên cho tinh khiết, thanh cao. Rau sống ở ngoài vườn hái vô đủ loại, nào dưa chuột, xà lách, tàn ô, ngò,hành, rau thơm húng đứng, húng dũi . Ăn tới đâu,hái tới đó. Rau tươi ngon phải biết . Anh tôi thì tất bật với hai con bò cho đủ rơm, cỏ ăn đến mồng bảy tết, sau đó tôi và anh, cùng thằng em tranh thủ đi cắt tóc ở tiệm ông Bảy gọn gàng, mát mẻ .Mẹ thì cứ loay hoay với chảo rim gừng, rim dừa, tối đến thì đổ bánh thuẫn . Vui nhất là mẹ bắt anh em tôi dện cốm. Gạo nếp rang xong giã nhuyễn, trộn với đường đen pha ít gừng. Dùng cái hộc hình chữ nhật bằng gỗ, đem cốm đổ vào hộc, để miếng gỗ bên trên vừa vặn kích thước với chiếc hộc, lấy chày giã gạo mỗi bên một đầu, đè mạnh xuống ,đè đến khi viên cốm dẽ, chặt mới đưa ra khỏi hộp. Năm nào cũng vậy, mẹ tôi dện rất nhiều cốm để tết Bò, và làm quà tặng một số bà con nhơn nghĩa . Chiều cuối năm công việc đã đâu vào đấy, anh em chúng tôi tắm rửa, kỳ cọ thân thể sạch sẽ. Nước giếng sử dụng xách đổ đầy thùng – vò, bà căn dặn sang ngày mồng một tết, không được thọc gàu xuống giếng ,ảnh hưởng đến sự linh thiêng của thần Hà Bá.
Cúng tất niên, không phải như bây giờ hễ qua hai ba tháng chạp, ai cúng ngày nào cũng được, ngày đó cúng nhất nhất phải là ngày tận cùng của năm cũ. Quan niệm của sự họp mặt gia đình, của sự quây quần đoàn tụ, đầm ấm, nếu cúng sớm hơn thì nó không còn ý nghĩa. Bữa ăn cuối năm, anh em chúng tôi, xả láng đã đời, với bao nhiêu là món . Quanh năm thèm khát, giờ ăn như chưa từng được ăn. Mẹ sợ các con ăn nhiều bội thực, nên lúc nào bà cũng chuẩn bị một số ít thuốc tiêu hoá để phòng ngừa đau bụng. Khi ăn bà căn dặn đủ điều, từ cách đi đứng nói năng, đến giao tiếp phải nhẹ nhàng lịch thiệp. Nhất là sáng mộng một tết không được mở tủ, quét nhà, không được đùa giỡn, la hét.Tuyệt đối không được đến nhà ai, lỡ gia đình họ có chuyện gì, thì tiếng oan đổ cả năm không nước sông nào rửa hết. Tối đến trên bàn thờ ông bà, tổ tiên khói nhang nghi ngút, đèn dầu, nến đốt lên sáng rực. Anh em tôi ngồi nhìn mẹ hoàn tất những chiếc bánh in dang dở, chờ đón giao thừa .
Không điện, không truyền hình, không thông tin liên lạc, chờ đợi thời gian trôi đi từng khắc, từng khắc mới thấy hết ý nghĩa của sự rạo rực linh thiêng đến khó tả . Ngày đó ngây thơ tôi hỏi : Sao tết năm nào ba cũng không về hả mẹ? làm bà sững người rất lâu, trên khoé mắt ẩn chứa giọt lệ cố giấu chảy ngược vào trong, bà bảo rằng “ ba của các con ở xa, xa lắm không về được”. Những lúc vậy, anh trai tôi biết lảng sang chuyện khác vì sợ làm bà buồn .Còn tôi cố gắng đi ra, đi vào cho đỡ buồn ngủ . Thỉnh thoảng lấy quần áo mới ướm thử, mang dép đi đi lại lại trông thật buồn cười.
Hồi hộp chờ đợi, rồi cái gì nó cũng đến. Thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới cũng diễn ra .Cái cảm giác đầu tiên đón giao thừa tim tôi rung lên bần bật . Bầu trời đêm rực sáng hoà vào âm thanh của đất đến mê ly. Đón nhận trời đất giao mùa chừng độ mười phút, mẹ sắp bánh ngọt lên bàn thờ đốt nhan khấn vái, kêu chúng tôi ăn thêm gì đó rồi đi nghỉ
Đêm của ngày mới, năm mới đã bắt đầu. Tôi ngủ một giấc ngon lành, không mộng mị . Sáng ra mẹ dậy sớm, lo mọi thứ để cúng đầu năm. Tôi cảm thấy người rạo rực lâng lâng, khó tả làm sao . Ăn sáng xong, nai nịt quần áo, dép mới xỏ ngay. Mẹ lì xì cho các anh em tôi mỗi đứa mười đồng căn dặn chỉ chơi quanh quẩn đâu đó, không được đi xa. Tôi háo hức nhận tiền lao ngay ra đầu ngõ thì gặp đám bạn trang lứa có lẽ tâm trạng cũng giống như tôi cùng nhau vi vu của ngày đầu xuân nắng ấm.
Trong ba ngày tết, muốn đến địa điểm có nhiều trò chơi như lô tô, bài chòi, ném vòng, phóng phi tiêu… chúng tôi phải cuốc bộ từ năm đến bảy cây số,vậy mà đi cả ngày cũng không biết chán. Bạn nào có chiếc xe đạp sướng như tiên, cùng nhau đi ké . Chơi mỏi về nhà ăn, rồi lại đi. Nhoáng đi nhoáng lại hết tết liền. Rồi mồng bốn cúng tạ, tết bò. Mồng bảy hạ niêu. Tôi cảm thấy tiên tiếc,níu kéo khi chơi chưa đã thèm . Lại phải bước vào trăm công nghìn việc của một năm nữa bắt đầu ...
Chao ôi ! Cứ mỗi độ xuân về, tôi lại ướt ao quay về ngày xưa để đón nhận những cái tết tuổi thơ rực lửa nhớ đời.

Xuân Canh Dần

Không có nhận xét nào: