5 thg 3, 2009

Bác Tám Nhạc - Chuyện bây giờ mới kể


Về xã Hoà Mỹ Đông - Huyện Tây hoà – Phú Yên hỏi bác Tám Nhạc người nào cũng biết . Từ già trẻ, lớn nhỏ, trai gái, thanh niên, phụ nữ họ chỉ lắc đầu cười bỡi thành tích hài hước của ông . Thuở thiếu thời, gia đình bác vất vả, đói khổ, phải đi đốt than kiếm sống . Mãi sau này làm ăn tích luỹ khá dần, rồi giàu có nhất vùng, nhà mở tiệm vàng trước chợ. Bác Tám lớn lên mặc sức hưởng thụ . Gia đình cho ăn học, không chịu, lại đi mê đờn cò ( đàn nhị )và thổi kèn đám hát, rồi hát tuồng cho nên cái tên Tám Nhạc bị chết từ đó. Bác Tám theo đám hát, mê tuồng (hát bộ ) như điếu đổ. Tính ông hay cà rỡn, khác người . Chuyện trái tai, gai mắt hổng kiếp thì chày cũng bị bác cho leo cây. Mẹ tôi kể rằng :
Trước năm 1975 đoàn tuồng Sanh Sửu đi lưu diễn các xã của huyện Tuy Hoà, bữa kia Thôn Phú Diễn – xã Hoà Đồng mời về hát hiến cho dân làng xem phấn khởi vì vừa được mùa .Ngày hôm đó dân mổ hai con heo tạ đãi cả đoàn một bữa ra trò. Tối đến họ diễn vở “ Tam hạ nam đàng ”. Bác Tám Nhạc đóng vai vua . Không biết ăn uống thế nào, bụng bác sôi réo ụng ục chẳng may rướn gân cổ hát, đít phẹt ra đầy quần . Đang ngồi trên ghế Bác Tám giật giọng “ Nay trẫm đà lâm bệnh bất an, truyền chư tướng khiêng luôn cả ghế ”. Ông trưởng đoàn nghe trích đoạn lạ giật mình, đứng sau bức phong kêu anh em, khiêng ghế lẹ lên, kéo màn. Sau khi đưa cả chiếc ghế và ông vua khỏi sân khấu về sau hậu đài, kép chính hỏi : Chuyện gì bác Tám trong tuồng đâu có đoạn đó ? . Ông nhăn nhó: Tao bị ỉa đầy quần rồi hát hò gì được nữa ” . Mọi người nghe xong cười ngất –khen bác xử lý tình huống hay.
Nhớ lần nữa ! Bữa đó diễn vở “ Triệu Tử Long cứu ấu chúa ” ban ngày tại sân gạch Phước Thịnh - Hoà Bình II. Vì nam diễn viên đóng vai Trương Phi về nhà uống rượu say không đến được, bắt bác Tám đóng thế . Do cập rập việc trang điểm, gắn hàm râu giả lỏng lẻo bị rớt không hay. Bác Tám ra sân khấu đối đầu với tướng của Tào Tháo cất giọng “ Như ta đây là Trương …”vừa hát vừa dùng tay vuốt râu, nhưng râu rớt mất. đặc điểm của Trương Phi mặc đen, râu dài. Nên bác Tám bí quá , để khỏi quê. Bác lướt nhẹ, tay vuốt không qua cằm gằn giọng “Như ta đây là Trương Phì em của Trương Phi, ta đến đây có gì ngươi chỉ giáo ” . Khán giả cười ồ lên vỗ tay tán thưởng.
Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đoàn hát Sanh Sửu giải tán, một số diễn viên xin sát nhập về đoàn tuồng thống nhất Phú Khánh . Bác Tám Nhạc trở về làm ruộng, mở tiệm vàng . Trước mặt nhà là cái chợ lớn, người họp đông đúc . Vì chợ nông thôn, không có nhà cầu, nhà tiểu , nên bên hông nhà của bác khuất tầm bị người đi chợ lén tiểu tiện khai nồng nặc. Bác Tám bực dọc mà không nói được . Một ngày kia có chị phụ nữ tuổi sồn sồn cũng vào chỗ đó xả .Bất phước chẳng may bữa đó Bác Tám canh me sẵn,mới tuột quần ra tiểu .Bác xuất hiện ôm gọn chị phụ nữ lên, xây ra phía chợ ria qua, ria lại . Báo hại cả chợ nhốn nháo cười đái trong quần . Riêng chị phụ nữ la chí choé, sượng sùng tím người kéo quần bỏ chạy một mạch không dám quay đầu nhìn lại . Từ đó trở đi không một ai tiểu bậy hông nhà bác.
Bên cạnh nhà Tám Nhạc có ông Hai Thanh nổi tiếng keo kẹt .Suốt đời chuyên đi ăn đám giỗ nhà thiên hạ . Đến giỗ nhà mình , không mời ai . Bác Tám hầm hầm để bụng . Nhớ hồi đó là ngày giỗ cụ Bầu cha Hai Thanh . Mờ sáng, bác Tám ăn xong dĩa bánh bèo, uống hết bình trà nóng, đâu chừng hơn tám giờ ông mặc áo dài đen, đầu đội khăn đóng .Âm thầm rảo hết từ đầu thôn đến cuối thôn . Nhà nào bác cũng kính cẩn,nghiêm trang đại diện cho ông Hai Thanh mời đến ăn cỗ, đúng mười một giờ trưa . Chắc mẫm đâu vào đó , Bác Tám Nhạc về nhà nằm võng rung đùi, thỉnh thoảng liếc xéo qua cửa sổ nhà Hai Thanh nhìn thử có ai đến chưa . Ai cũng nghĩ rằng có lẽ lâu nay Hai Thanh ăn giỗ nhiều rồi , nên lần này mời trả nợ miệng . Họ đều đi tất . Đúng giờ lần lượt người đến tấp nập. Khổng lẽ đuổi . Hai Thanh xính rính, líu lưỡi mời họ ăn tạm bánh ngọt, uống nước . Chờ mãi không thấy dọn cỗ, hỏi ra té ngửa . Vợ Hai Thanh đành phải xin lỗi . Mọi người chưng hửng ra về lầm bầm kêu ông Tám Nhạc là đồ mắc dịch. Có người đắc ý khen Bác Tám chơi vố thật hay. Vậy mà hiệu nghiệm . Hai Thanh bẽ mặt, mãi sau này các buổi tiệc tùng, giỗ chạp ít khi thấy ông ta , nghe đâu sau bữa giỗ đó ông bị vợ đào bới ra trò về chuyện ăn uống.
Cũng là hàng xóm của bác, có anh ba Hiếu . Hậu nhà anh ta giáp hậu nhà bác Tám bởi cái hàng rào. Anh Hiếu nuôi sáu con vịt Xiêm, Giống vịt này phá phách khỏi chê. Rò cải, rau muống, rau lang, ngò , hành bác tám trồng để cải thiện bị đàn vịt xơi sạch sẽ, gọn gẽ. Nhiều lần bác yêu cầu anh Hiếu nhốt lại, đâu được dăm ba bữa lại thả ra . Tức quá nói mãi không nghe, nhân lúc Hiếu ra đồng, vợ đi vắng bác tóm hai con to nhất, cắt cổ làm tiết canh và hon với măng tươi mua ở chợ . Khi dọn hết lên bàn ,ông mua hai lít rượu ngon, kêu thêm ông bạn, sau đó sai đứa cháu nội qua mời chú ba Hiếu sang uống chén rượu . Ăn mãi chán chê, tàn tiệc ba Hiếu cứ khen tiết canh ngon. Món hon thịt mềm. Bác Tám tỉnh queo gắp rót . Đang ngà ngà hưng phấn, bỗng đâu vợ ba Hiếu chạy sang kêu chồng dậm chân,múa tay ,hét tướng : mất hai con vịt to rồi, ông về mà đi kiếm . Bác Tám Nhạc chậm rãi , vô nồi rồi kiếm làm gì nữa . Đang cầm đũa chợt hiểu, ba Hiếu đắng lưỡi , đứng dậy phủi đít dắt vợ về. Hôm sau sai vợ đem bốn con vịt còn lại bán gấp. Nửa tháng sau vườn rau của bác Tám lại xanh um .
Còn nữa ! Ngày kia nhân lúc ăn đám giỗ nhà ông sui về, đi ngang qua chiếc mương nước, do cơ thể có rượu nóng nực nên bác bỏ dép trên bờ xuống trầm mình cho mát . Trời gần trưa , nắng gắt mọi người ra đồng lục đục kéo nhau về, thấy bác tám quần áo tươm tất sao lại ngồi dưới nước mới hỏi dồn . Tám Nhạc giả vờ tiếc rẻ lớn tiếng, do sơ ý lúc rửa tay tuột rớt mất chiếc nhẫn bốn chỉ vàng mò kiếm mãi chẳng ra . Họ nghe rần rần cả tin lao xuống mương mò kiếm, bỡi bác là chủ tiệm vàng mà . Trời thần đất lở, càng lúc người xuống càng đông, ai cũng cố sức hy vọng nhặt được vàng . Mò mãi chán chê, mọi người nhìn lại chả thấy bác tám đâu cả, ông đi mất đất từ lâu , mới la lên : Mình bị ông tám Nhạc lừa rồi bà con ơi…cú chơi đó là bài học nhớ đời cho những ai tham lam quá mức.
Chưa hết đâu, còn một chuyện nữa cũng cười ra nước mắt không kém chuyện bác “ ria người phụ nữ đái ”. Ông có người em vợ, mở hiệu vàng lớn ở phố Tuy Hoà . Lúc bấy giờ thời bao cấp, người mua bán vàng không nhiều , nên đôi lúc bác cũng gặp khó khăn phải nhờ đến em vợ, nhưng em vợ thường hay từ chối khéo, bác chẳng nói ra từ đó để bụng . Vào một sáng đẹp trời, có một bà già lam lũ, nông dân chất phát đến hiệu vàng bác tám Nhạc bán cục vàng nặng trịch . Sau khi mở gói giấy xem, bác Tám nhẹ nhàng gói lại cẩn thận rồi từ chối bảo rằng : Số lượng lớn, không đủ tiền mua . Chỉ bà già mang xuống phố, đến hiệu vàng Kim Ngọc bán ( Hiệu đó của của em vợ bác tám ).
Chuyến xe đò bằng xe lam đến sớm, dừng ngay truớc hiệu vàng Kim Ngoc. Bà già đi thẳng vào. Anh Ngọc chủ hiệu niềm nở, đon đả . Bà già hỏi : Giá vàng bao nhiêu ? Anh Ngọc đáp 80 ( tức 80.000đ/chỉ ). Ngọc hỏi lại : Bà bán bao nhiêu ? Bà già trả lời : Nửa ký. Vậy mời bác lên gác cho tiện. Uống xong ly nước, bà già đưa cục vàng . Anh Ngọc mởi gói giấy nhìn hoảng hốt la lớn : 79 ! 79 rồi bỏ chạy ( đầu đạn màu vàng M.79 của Mỹ ). Bà già lầm bầm nói với theo : Ông chỗ làm ăn lớn trẹo họng , ở tầng dưới nói 80, mới lên gát hạ xuống còn 79 …
Hú hồn cùng may bữa đó đầu đạn 79 chưa đủ vòng tua, nếu không toi đời cả đám.

Không có nhận xét nào: