9 thg 3, 2009

KỂ VỀ MỘT CHUYẾN ĐI

Biết mấy đau thương? Thứ Ba, 3/3/2009, 13:41 (GMT+7)
(Bài dự thi -kể về một chuyến đi trên báo thể thao- văn hoá)


Cứ sắp đến ngày giải phóng Phú Yên và ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng tôi lại trầm ngâm, tưởng nhớ bao điều. Đặc biệt luôn khắc sâu một chuyến đi đêm để đời. Ngày ấy tôi vừa tròn 14 tuổi, cái tuổi cũng chưa đủ lớn để nhìn nhận chiến tranh là gì. Nhưng đã từng chứng kiến cảnh bom đạn tàn phá, bọn giặc càn quét, giết cướp và thừa hưởng gien của người bố đã cho tôi cái tính gan lì, bặm trợn.
Quân đôị Việt Nam cộng hoà sau khi thất thủ Tây Nguyên. Đã tung tin bịa đặt “ Việt cộng vào Buôn Mê Thuột sẽ tàn sát dân lành ” báo hại dân tình đâm đầu di tản, chạy loạn và nơi họ đổ về là đường Năm và đường Bảy - đến Tuy Hoà – Phú Yên.
Sau hai ngày 26 và 27/3/1975 sư đoàn 320 bộ đội chủ lực của ta cùng với quân, dân địa phương chặn đánh đám tàn quân thất trận không còn manh giáp. Tối ngày 29/3/1975 bất chấp gia đình can ngăn, tôi cùng một số người trong xóm lặn lội khu vực đường Năm để lượm đồ và kiếm vàng.
Xuất phát lúc mười giờ đêm. Từ nhà tôi làng Vinh Ba đến địa điểm thôn Mỹ Thạnh Tây đâu chừng bảy cây số, vậy mà mất hết hai giờ đồng hồ . Dọc đường 5 có một dòng kênh chảy song hành.. Xác người chết trôi nổi bồng bềnh . Trên quang lộ đủ các loại xe nằm rải rác. Người đi lượm đồ gọi nhau í ới. Một giờ sáng những người trong nhóm dừng lại khu vực chính, bãi chiến trường .Trước cửa ngôi trường năm gian, không còn lối đi . Hàng hoá, xe pháo, tài sản, vật dụng tư trang, xác chết dày đặc đổ xuống, kể cả dòng kênh cũng tắc nghẽn . Ai thích gì thì nấy. Trời thì tối nên phải dùng tay rà, sờ sẫm từng thứ xác định . Người hiểu biết, tham lam tìm vàng, người thực dụng lấy quần áo, đầu máy may, vải . Người thích chơi ngông dắt xe máy 67, 72 …Tôi còn trẻ mê mẩn trước hàng tá bút máy Pilot, mặt đồng hồ Senko Nhật và Radio bán dẫn. Không thể tưởng tượng, lính chết sắp hàng dọc ngang như cá, dân vô kể. Chết bom đạn ít, đói khát thì nhiều . Bàn tay tôi chạm phải một số thân xác còn nguyên . Không rùng mình, chả sợ , thậm chí còn sục sạo, đạp lên xác người mà đi . Có cặp vợ chồng bị trọng thương, hơi thở thoi thóp xin cứu mạng. Chúng tôi lắc đầu bất lực. Một bà già nằm trên chiếc xe GMC rên rỉ cho miếng nước, bà cho vàng. Anh Bình cùng đi vào giếng nhà dân dùng gàu múc nước cho uống đỡ. Uống xong tắt thở, Bình mò rút trên ngón tay bà chiếc nhẫn hai chỉ.
Càng về khuya sương càng xuống lạnh. Ngồi nghỉ tạm trên nền đá xi măng chiếc ga nước dòng kênh. Mọi người cười ngất khi chú Năm Đạm dắt chiếc xe hon da 72 không bình xăng và cái máy đánh chữ bóng loáng. Bà Bảy Long khệ nệ bao tải to tướng hỏi thứ gì, té ra bao đậu phụ khô . Anh Tân đeo hai vai, hai chiếc mảy ảnh lắc qua lắc laị như một nhà nhiếp ảnh lâu đời, tay cầm khẩu col 45 dương dương tự đắc. Bác Sáu Cúc yêu cầu anh vứt của nợ ấy đi . Tân lưỡng lự rồi quăng đùng xuống kênh tỏ vẻ tiếc rẻ. Chiếc bao của tôi lỉnh kỉnh nhiều thứ, nặng trịch . Bàn qua tính lại, nói chuyện tầm phào phút chốc hừng đông ló dạng.
Mờ đất tôi và anh Bình không theo đường cũ, đạp tắt băng đồng qua hướng Núi Đất về làng Đông Thiền . Trên triền đồi xác lính dù chết nằm còng queo, từng cụm, từng cụm. Tốp ba tên, sáu tên, chín tên…Có nhiều gương mặt còn non choẹt, mắt trừng trừng mở to. Hình như họ chết không nhắm mắt, bởi cuộc chiến tranh phi nghĩa do chính quyền Nguyễn Văn Thiệu dựng lên. Chần chừ giây phút tôi rùng mình, vô cảm. Mồ hôi vã ra khi tôi cố vác chiếc bao nặng, quá sức đi tiếp. Đang hì hục bước lên khu gò mả, thình lình anh Bình quay lại, tôi sấn tới. Trời đất, trước mặt tôi, một cặp vợ chồng nằm chết mới tinh. Mình đầy thương tích, quần áo tả tơi. Bênh cạnh đứa con ước chừng hai tuổi mũm mĩm, đẹp tựa thiên thần. Hình như đứa trẻ còn sống. Tôi và Bình đến bên cạnh ngồi xuống, cu cậu còn thở, sờ người vẫn còn nóng. Lưỡng lự, suy tính Bình bảo tôi ngắt vài tàu lá chuối che nắng cho thằng nhỏ. Anh dùng tay vốc đỡ một ít nước trong ở ruộng lúa, nhỏ vào miệng. Đôi mắt thơ ngây cựa quậy đâu chừng mười phút, rồi tắt thở trong yên bình. Bỗng dưng tôi và Bình thẫn thờ, thừ người ngồi bệt ra đất tiếc nuối một hình hài sinh linh bé bỏng. Đứa trẻ thật tội nghiệp, tôi lẩm bẩm. Bình vào làng kiếm đâu được chiếc xẻn và cái cuốc, hai anh em hì hục đào hố chôn tạm ba người. Loay hoay, quần quật cho xong ngôi mộ. Đúng trưa , tôi và anh Bình mới rời bước về nhà…
Hơn ba mươi năm trôi qua, kể từ chuyến đi đêm ấy. Bây giờ đã trưởng thành,mỗi khi nghĩ lại mới nhận ra một điều rằng: Chiến tranh thật khốc liệt và tàn nhẫn. Cuộc chiến nào cũng phải có kẻ thắng người thua. Người tham gia trận mạc tất nhiên phải đổ máu, ngã xuống. Chỉ tiếc thương cho dân lành, vô tội. Họ là người mất mát nhiều nhất. Chiến tranh đã đẩy tài sản, cơ nghiệp mất trắng. Gia đình con cái chia lìa. Họ tộc, xóm làng quê hương, cội rễ , tổ tiên ly tán. Đau thương tràn ngập, cứ nhắm mắt lại người chết lại hiên ra. Đường 5 kinh hoàng, là mồ chôn đám binh lính, sĩ quan nguỵ quyền Sài Gòn, nghìn lần nguyền rủa những kẻ thất trận, trước khi giãy chết còn đưa tin, đẩy dân vào cảnh loạn lạc, đầu rơi, máu chảy. Thật hạnh phúc biết bao khi trên thế giới này chỉ có hoà bình . Cầu mong chiến tranh mãi mãi chấm dứt. Hoà bình luôn đến cho mọi người, mọi nhà.

Không có nhận xét nào: