26 thg 3, 2009

ĐƯỜNG NĂM - DẤU ẤN LỊCH SỬ


Đùng ….Đùng….hai quả đạn 105 nổ rền vang cả xóm. Chỉ cần nhích thêm hai mét nữa ngôi nhà của tôi sẽ tan tành mây khói . Mảnh đạn bay cắt ngang tiện dứt hai nhánh dừa rớt xuống mặt nội . Tai bà điếc đặt lớn tiếng :
- Đứa nào hả bay ? Thằng Bình hay thằng Tường .Không ai trả lời. Chỉ có gió của hàng tre xào xạt . Gần tàn cuộc chiến tranh nội tôi vẫn vậy. Bám trụ giữ làng không rời bước, cho dù bom đạn có nã xuống trên đầu . Hai mươi phút sau, từ Gò Đu tôi lao thẳng về , nội đang ăn cơm trưa, tỉnh queo . Hai hố đại bác sâu hoắm, vườn chuối ngã rạp, tanh bành . Bức vách nhà bằng đất lủng lỗ chi chít. Mái tranh tốc ngược vệt dài . Tôi đứng nhìn dửng dưng , người gai lên từng đợt, từng đợt , rùng mình . Sự sống và cái chết chỉ nằm trong gang tấc.
- Nội ! Canh nông nổ sau hè nhà mình, bà không nghe sao ? Tôi quăng chiếc mũ nilon hiệu con gà trống xuống đất, ngồi bệch trên thềm.
- Mồ tổ cha mày ! Tao có nghe canh nông, canh niếc gì đâu. Ăn cơm đi con . Bà với lấy chén bới cơm.
- Mẹ nói sắp có đánh lớn ở Phú Diễn, Hòn Kén , hay Núi Đất gì đó, nội nên ra đồng với bà con .Ở làng nguy hiểm lắm.
- Con đi đi, chân nội yếu lắm . Bom đạn tiếc gì thân già này !
Vừa dứt lời. Bùm …quả cối 81 nổ tung chuồng bò bác Hai Mưa. Tôi nắm tay nội chạy vọt ra sân, qua đám đất khỏi khu vườn, dấp cây sắn ngã sấp. Lại một quả cối 81 nổ ngay cạnh cái giếng nhà .Vì cự ly quá gần, tai ù lên ong ong, tóc dựng ngược. Tôi và nội chạy ra khỏi xóm, trên bầu trời chiếc L.19 lượn lờ , dòm ngó…
Gò Đu . Lều, nhà tạm của dân làng chạy giặc dựng lên lỏng chỏng để che nắng, che mưa san sát . Hơn năm giờ chiều, tiếng súng ở hướng Phú Diễn dứt hẳn . Húp vội ba chén cháo trắng gạo ba thóc thơm mùi rau đắng . Tôi và mẹ về nhà, nội ở lại coi trại với thằng em ruột . Quần nhau với đám lính nguy quân thuộc tiểu đoàn 10 của thiếu tá Minh, có ba đồng chí ở huyện đội Tuy Hoà bị trọng thương , các anh dùng cán cột võng khiêng đi ngang qua nhà . Họ rên rỉ dữ quá . Mẹ lục lọi trong chiếc tủ ván ép còn lọ kháng sinh và chai thuốc tím, chạy theo tặng các anh bộ đội để chữa trị cho đồng đội.
Tối, chị ruột và anh rể tôi từ ban tài mậu tỉnh uỷ ung dung xuất hiện tại nhà . Chị mặc áo bà ba chít sát nách, đội mũ tai bèo, vai đeo khẩu AK rất oách . Anh rể mặc bộ quân phuc xanh rộng thùng thình, thân gầy tong teo. Mẹ ôm chị khóc ngon lành . Tôi lăn xăng cứ theo rờ khẩu súng thích thú . Trò chuyện suốt đêm, mờ đất anh chị đi khỏi. Tôi nghe loáng thoáng lời anh rể trên khắp các chiến trường đều đồng loạt tổng tiến công . Bộ đội chủ lực cuả ta đang bao vây Tây nguyên . Đất nước sắp được giải phóng …
Đêm 19/3/1975 ,khoảng ba giờ sáng. Đang say giấc, tiếng súng nổ dữ dội vọng lại. Mẹ dậy mở cửa ra sân . Tôi dụi mắt, ngái ngủ bước theo. Súng, pháo hướng Cầu Cháy liên tục rền rã. Trên bầu trời hoả châu rực sáng . Hai chiếc HU-IA có gắn chữ thập cứu thương, bay lượn quần quật . Bác Hai Mưa , ông Hai Ở, chú Năm Rau kéo đến đứng chật sân, nói cười rôm rả . Nội tôi cũng liếng thoắng không kém gì họ. Đánh đấm sướng quá ! Đồn Cầu Cháy tiêu rồi . Bàn luận mãi chán chê đến năm giờ sáng tiếng súng im bặt…
Nghĩ đến đất nước sắp được giải phóng, tôi cũng vui mừng không kém gì mẹ ,cho dù tôi mới vừa tròn mười bốn tuổi, cái tuổi cũng chưa đủ lớn để nhìn nhận chiến tranh là gì. Nhưng đã từng chứng kiến cảnh bom đạn tàn phá,bọn giặc càn quét, giết cướp và thừa hưởng gien của người bố đã cho tôi cái tính gan lì, bặm trợn .

Quân đôị việt nam cộng hoà sau khi thất thủ tây nguyên. Đã tung tin bịa đặt “ Việt cộng vào Buôn mê Thuột sẽ tàn sát dân lành ” báo hại dân tình đâm đầu di tản, chạy loạn và nơi họ đổ về là đường Năm và đường Bảy - đến Tuy Hoà – Phú Yên.
Sau hai ngày 26 và 27 tháng 3 năm 1975 sư đoàn 320 bộ đội chủ lực của ta cùng với quân, dân địa phương chặn đánh đám tàn quân thất trận không còn manh giáp. Tối ngày 28/3/1975 tôi ,mẹ , bác Năm Rau , chú Năm Đạm , ông bà Bảy Long, anh Bình, anh Tân…và một số người khác trong xóm cùng nhau đến đường Năm để lượm đồ và kiếm vàng. Đi ban ngày sợ máy bay thả bom.
Xuất phát lúc mười giờ đêm. Từ nhà tôi làng Vinh Ba đến địa điểm Thôn Mỹ Thạnh Tây đâu chừng bảy cây số, vậy mà mất hết hai giờ đồng hồ . Dọc đường Năm có một dòng kênh chảy song hành.. Xác người chết trôi nổi bồng bềnh . Trên quang lộ đủ các loại xe nằm rải rác. Người đi lượm đồ gọi nhau í ới. Một giờ sáng những người trong nhóm dừng lại khu vực chính, bãi chiến trường .Trước cửa ngôi trường năm gian, không còn lối đi . Hàng hoá, xe pháo, tài sản, vật dụng tư trang, xác chết dày đặc đổ xuống, kể cả dòng kênh cũng tắc nghẽn . Ai thích gì lấy nấy. Trời thì tối nên phải dùng tay rà, sờ sẫm từng thứ xác định . Người hiểu biết, tham lam tìm vàng, người thực dụng lấy quần áo, đầu máy may, vải . Người thích chơi ngông dắt xe máy 67, 72 …Tôi còn trẻ mê mẩn trước hàng tá bút máy Pilot, mặt đồng hồ senko Nhật và radio bán dẫn. Không thể tưởng tượng, lính chết sắp hàng dọc ngang như cá ,dân vô kể. Chết bom đạn ít, đói khát thì nhiều . Bàn tay tôi chạm phải một số thân xác còn nguyên . Không rùng mình, chả sợ , thậm chí còn sục sạo . Có cắp vợ chồng bị trọng thương , hơi thở thoi thóp xin cứu mạng .Chúng tôi lắc đầu bất lực . Một bà già nằm trên chiếc xe GMC rên rỉ cho miếng nước, bà cho vàng . Anh Bình vào nhà dân dùng gàu múc nước giếng cho uống đỡ. Uống xong tắt thở, Bình mò rút trên ngón tay bà ta chiếc nhẫn hai chỉ.

Càng về khuya sương càng xuống lạnh. Ngồi nghỉ tạm trên nền đá xi măng chiếc ga nước dòng kênh. Mọi người cười ngất khi chú Năm Đạm dắt chiếc xe hon da 72 không bình xăng và cái máy đánh chữ bóng loáng. Bà Bảy Long khệ nệ bao tải to tướng hỏi thứ gì, té ra bao đậu phụng khô . Anh Tân đeo hai vai, hai chiếc mảy ảnh lắc qua lắc laị như một nhà nhiếp ảnh lâu đời, tay cầm khẩu col 45 dương dương tự đắc. Bác Năm Rau yêu cầu anh vức của nợ ấy đi . Tân lưỡng lự rồi quăng đùng xuống kênh tỏ vẻ tiếc rẻ. Chiếc bao của tôi lỉnh kỉnh nhiều thứ, nặng trịch . Bàn qua tính lại, nói chuyện tầm phào phút chốc hừng đông ló dạng.
Mờ đất tôi và anh Bình không theo đường cũ, đạp tắt băng đồng qua hướng Núi Đất về làng Đông Thiền . Trên triền đồi xác lính dù chết nằm còng queo, từng cụm, từng cụm. Tốp ba tên, năm tên, chín tên… Có nhiều gương mặt còn non choẹt, mắt trừng trừng mở to.Hình như họ chết không nhắm mắt, bỡi cuộc chiến tranh phi nghĩa do chính quyền Nguyễn Văn Thiệu dựng lên . Chần chừ giây phút tôi rùng mình, vô cảm. Mồ hôi vã ra khi tôi cố vác chiếc bao nặng, quá sức đi tiếp. Đang hì hục bước lên khu gò mả, thình lình anh Bình quay lại, tôi sấn tới . Trời đất, trước mặt tôi, một cặp vợ chồng nằm chết mới tinh. Mình đầy thương tích, quần áo tả tơi. Bênh cạnh đứa con ước chừng hai tuổi mũm mĩm, đẹp tựa thiên thần. Hình như đứa trẻ còn sống . Tôi và Bình đến bên cạnh ngồi xuống, cu cậu còn thở, sờ thử mình vẫn nóng . Lưỡng lự, suy tính Bình bảo tôi ngắt vài tàu lá chuối che nắng cho thằng nhỏ. Anh dùng tay vốc đỡ một ít nước trong ở ruộng lúa, nhỏ vào miệng . Đôi mắt thơ ngây cựa quậy đâu chừng mười phút, rồi tắt thở trong yên bình. Bỗng dưng tôi và Bình thẫn thờ, thừ người ngồi bệt ra đất tiếc nuối một hình hài sinh linh bé bỏng. Đứa trẻ thật tội nghiệp, tôi lẩm bẩm . Bình vào làng kiếm đâu được chiếc xẻn và cái cuốc, hai anh em hì hục đào hố chôn tạm ba người . Loay hoay, quần quật cho xong ngôi mộ trời đứng trưa , tôi và anh Bình mới rời bước về nhà…
Sáng hôm sau 29/3/1975 toàn bộ dân làng Vinh Ba dồn hết hướng Gò Đu – Tám giờ sáng ,tôi nhìn trên cánh đồng miếu Thành Hoàng thuộc làng Phước Thành Đông, dân chạy loạn phía đường Bảy dồn sang . Mặt trời phía đông lên cao khỏi đầu người đỏ như màu máu . Phần gốc rạ của cánh đồng lúa vừa gặt xong trải dài vàng rực. Phía tây bắc xa xa trên đồi cát Ghềnh Bà, xe lội nước của địch từ đèo Dinh Ông băng sông Ba vượt sang trườn lúc nhúc, chậm rãi như những chú Rùa đi trong nắng . Đoàn xe địch qua khỏi đồi cát ngất đầu lên đường Năm-khu làng Mỹ Thạnh Đông, pháo của ta tập trung dội vào như bão lửa , chặn đứng bước tiến . Địch bị đánh bật trở lại, nằm rạp hai bên bờ kênh nghe ngóng .Tầm nhìn xa quá , tôi không thể thấy hết mọi chi tiết. Phía hàng tre dọc mé sông Ba đến làng Phước Thịnh, Tiểu đoàn 86 khép kín các ngả đường. Địch không còn lối thoát, gọi máy bay ném bom hỗ trợ. Hai chiếc F5 lao lên như xé gió. Tiếng động cơ gầm rú, rít vang bầu trời Phước Thành , Phước Thịnh .Mẹ réo gọi tôi, bảo nằm xuống . Bom nổ ùng –oàng khắp xóm làng, đồng ruộng .Đoàn người và xe tiếp tục tiến về phía Phú Thứ.
Chiều 30/3/1975 dân làng chạy giặc, gồng gánh lũ lượt kéo nhau về . Trưa ngày 1/4/1975 Phú Yên hoàn toàn giải phóng . Tôi nhảy cẫng lên hét : Từ nay không còn bom đạn nữa rồi - sướng quá trời ơi . Đúng là trẻ con.Vừa lúc đó anh trai tôi tên Hoàng làm thuê ở Thị xã Tuy Hoà trở về, lù lù xuất hiện với mái tóc dài quá vai, bồm xồm .Mẹ và nội hồ hởi nắm tay chân anh , sờ nắn và yêu cầu trước tiên cắt mái tóc ngay. Vì là truyền thống gia đình cách mạng, ba tôi liệt sĩ hy sinh năm 1970. Để khỏi phụ lòng hương hồn ông, hôm sau mẹ tôi dẫn anh Hoàng xuống trụ sở xã Hoà Đồng cho tham gia đội võ trang xã.
Cuộc đời niên thiếu của tôi đi qua cuộc chiến tranh như trong chớp mắt .Hơn ba mươi năm trôi qua, kể từ tháng ba năm ấy. Bây giờ đã trưởng thành,mỗi khi nghĩ lại mới nhận ra một điều rằng : Chiến tranh thật khốc liệt và tàn nhẫn .Cuộc chiến nào cũng phải có kẻ thắng người thua . Người tham gia trận mạc tất nhiên phải đổ máu, ngã xuống . Chỉ tiếc thương cho dân lành, vô tội. Họ là người mất mát nhiều nhất. Chiến tranh đã đẩy tài sản ,cơ nghiệp mất trắng. Gia đình con cái chia lìa.Họ tộc, xóm làng quê hương, cội rễ , tổ tiên ly tán . Đau thương tràn ngập. Đường Năm – dâu sấn lịch sử . Đường Năm nỗi kinh hoàng, là mồ chôn đám binh lính, sĩ quan nguỵ quyền Sài Gòn, nghìn lần nguyền rủa những kẻ thất trận, trước khi giãy chết còn đưa tin, đẩy dân vào cảnh loạn lạc, đầu rơi, máu chảy .Thật hạnh phúc biết bao khi trên thế giới này chỉ có hoà bình . Cầu mong chiến tranh mãi mãi chấm dứt .Hoà bình luôn đến cho mọi người, mọi nhà.


Không có nhận xét nào: