3 thg 1, 2009

CHIẾC GẬY MÂY


Hàng năm cứ đến ngày giỗ của nội , tôi lại về ngôi nhà cũ . Ngôi nhà ngày xưa lợp tranh,vách đất. Giờ được thay thế bằng tường gạch,mái ngói rêu phong cũ kỹ. Nhà như một biểu tượng sự quật cường của cuộc chiến tranh, là chứng tích anh dũng, đớn đau ,chở che, nuôi dưỡng cho bao lớp người kháng chiến . Trong đó bà nội và mẹ tôi là hai nhân vật chính. Còn tôi cùng chị cả, anh trai , và hai em thứ, út là người chứng kiến. Truớc năm 1975 nếu có ai đến làng Vinh Ba – xóm Kiệt - Huyện Tuy Hoà – Phú Yên hỏi thăm nhà má Tám, không ai không biết, đó là bà Nguyễn Thị Diện nội của tôi . Người ta gán cho bà thêm biệt danh “ Má Tám thế giới ”.
Hai mươi năm nội chiến . Bom đạn của Mỹ đã nã xuống làng xóm tơi bời, điêu tàn xơ xác . Những cuộc càn quét, khủng bố, đàn áp dân thường liên miên, bất tận . Ai đi cứ đi, ai chạy cứ chạy, ai chết cứ chết . Nội tôi vẫn bình chân như vại ,kiên quyết bám trụ giữ làng,không rời nửa bước. Các đồng chí Cách mạng hoạt động bí mật sống được nhờ có bà, còn mẹ tôi thỉnh thoảng mới giúp đỡ .Cứ sáng sáng, chiều chiều mỗi ngày dưới hiên nhà bên chiếc âu lửa bà ngồi uống trà, nghe thời sự với chiếc radio của Nhật .Đài nào bà cũng nghe tuốt, kể cả đài Hà Nội lúc bấy giờ bị cấm . Nhưng chủ yếu bà nghe BBC và Sài Gòn là chính . Phải thừa nhận nội có một trí nhớ lâu cực kỳ chuẩn xác, nên mọi thông tin toàn thế giới hàng ngày bà đều nắm chắc. Đi đâu , gặp ngưòi nào cũng thường tán gẫu,nói chuyện tứ phương , đông tây kim cổ. Do đó cái biệt danh má Tám thế giới được lưu truyền từ đó . Nội thuộc loại ít học mù chữ, chỉ biết vò vẽ vài ba chữ hán. Thuộc vài câu trong tam tự kinh, nhưng tính cách bà lanh lợi, mưu trí . Đầu óc phán đoán nhạy cảm .Nhớ lần nọ một buổi sáng sớm, toán lính xuất hiện đi vào hướng nhà tôi, trong khi đó nhà có bốn đồng chí Thường vụ huyện uỷ đang tập trung chuẩn bị họp .Cũng may nội vừa ra đồng thăm lúa trở về. Bà nhanh chân chặn đám lính lại chào hỏi, nói chuyện thật to, tìm kế hoãn binh, để các đồng chí mình nghe thấy. Khi bọn địch hiểu ra, xông vào tìm kiếm thì các đồng chí đã vào vị trí an toàn.Nói đến các tích tuồng truyện tàu như : Phụng Nghi Đình , Tam Hạ Nam Đàng ,Tiết Nhơn Quý, Ngũ Hổ…bà thuộc làu làu thường kể và phân tích kẻ trung, người ác luật đời nhân quả cho anh em chúng tôi nghe mỗi khi rảnh rổi .Mãi sau này khi lớn lên tôi mới hiểu thâm ý của bà.
Ngày cha tôi hy sinh , bọn địch đem xác phơi nắng, phơi sương đến ba ngày không cho chôn, xác chương sình, thối rữa bốc mùi . Mẹ tôi khóc hết nước mắt .Anh em chúng tôi ngơ ngác, bơ vơ, nguyện cầu . Nội vẫn tỉnh queo. Bà đã chứng kiến không biết bao nhiêu đồng chí, cán bộ của mình bị địch giết nên khi nghe tin con mất có lẽ nỗi đớn đau ,nước mắt đã chảy ngược vào trong . Bà chống gậy, lặn lội một mình đến tận nhà tên xã trưởng khét tiếng, gian ác để đòi xác con . Với lý lẽ đanh thép, phân tích tình lý “ Nghĩa tử là nghĩa tận ! Còn sống kẻ thù, chết là hết” tên xã trưởng đành phải cho đem xác cha tôi về mai táng .
Anh em chúng tôi mất cha , mẹ mất chồng , nội mất con là nỗi đau vô bờ bến . Nửa tháng sau ngày cha mất,chị gái gạt nước mắt theo chồng với một mâm cơm đưa tiễn vì còn tang chế . Niềm vui chưa trọn vẹn , anh rể đang học dở lớp tú tài bán âm thầm bỏ trường nhảy núi, trong khi vợ mang thai chưa được năm tháng
Đứa con trai vừa tròn hai tuổi ,chị gái không chịu đựng nổi những đòn tra tấn của kẻ thù vì có chồng theo cộng sản . Chị âm thầm bỏ nhà, bỏ con ra đi vào một đêm đầy mưa gió, và dĩ nhiên chị tìm đến đơn vị của chồng . Gánh nặng lại đè lên đầu mẹ , vừa nuôi con lại phải nuôi cháu . Năm tháng pha sương, tóc mẹ bạc thêm . Tôi thương đứa cháu đến tê lòng , vì nó ốm yếu, quặt quẹo bệnh tật triền miên, nhưng nó lây lất vẫn sống mãi cho ngày đoàn tụ với bố mẹ.
Đất nước hoàn toàn thống nhất. Niềm vui cả gia đình được nhân đôi . Chị gái công tác ban tài chính huyện uỷ, người anh trai lên đường nhập ngũ đơn vị công an vũ trang . Nội và mẹ là những người đầu tiên đưa ba mẫu ruộng vào tập đoàn hợp tác xã. Nhưng cũng chính nội là người đứng ra đòi lại ruộng , khi chính sách kinh tế làm ăn bát nháo thời bao cấp không cung cấp đủ gạo cho bà ăn. Mẹ tôi nhiều lần phải đứng ra can gián . Làm lụng quanh năm , lo cho chồng, cho cách mạng nên cái đói, cái nghèo cứ bám riết gia đình, đêm đêm mẹ than vắn thở dài . Sau ngày giải phóng ruộng đưa hết vào hợp tác xã , anh em chúng tôi phải làm thuê kiếm sống . Năm mười bốn tuổi , tôi học lớp sáu phổ thông, có những lúc đi cày ruộng lấy điểm, về đến nhà chỉ tắm rửa rồi đi học, cơm không kịp ăn .Nhớ có lần nọ giữa trưa tôi vác cày về nhà, nửa đường tôi bỏ cày xuống bên cạnh bụi tre ngồi khóc than thở. Đời sao đen bạc, khốn khổ đến thế là cùng . Có mấy người cùng làng đi ngang thấy tôi khóc, họ lắc đầu im lặng, cảm thông . Mẹ chạy ngược, chạy xuôi buôn gánh, bán bưng tần tảo vậy mà cơm cũng không đủ ăn, áo không đủ mặt . Cuối năm 1978 kinh tế gia đình kiệt quệ . Hàng ngày bữa sắn, bữa khoai . Có khi cả tuần chỉ ăn toàn đu đủ .Khi ăn ngày cuối tuần chờ mẹ về. Đứa em út tôi rên xiết “ anh ơi em chịu hết nổi rồi ”. Ba anh em ôm nhau khóc rồ lên . Bà nội thấy thế, cũng dàn dụa nước mắt . Từ khi sinh ra lớn lên, tôi chưa thấy nội khóc khi nào. Giờ đứng trước cảnh cái đói hành hạ các cháu bà cũng phải rơi lệ . Bà động viên anh em chúng tôi cố gắng vượt qua , đất nước hết chiến tranh rồi . Nhất định Đảng, nhà nước không bỏ gia đình chúng ta .
Tôi bỏ học nửa năm lớp bảy. Ngày ngày lặn lội trên đồng câu cá, bắt lươn .Đêm với đám bạn cùng lứa, hò hẹn, nghểu nghến, trai gái . Rồi một hôm tôi bỏ nhà lang bạt theo đám lâm tặc nơi rừng thiêng nước độc để kiếm tiền . Đi mãi chán chê quay về đăng ký nghĩa vụ quân sự . Biết chuyện tôi chán đời, muốn sang chiến trường K để bỏ mạng . Nội âm thầm đến gặp đồng chí chủ tịch xã gạt tên tôi khỏi danh sách. Tối đến , bà gọi tôi đứng trước bàn thờ cha, nơi có chiếc bằng tổ quốc ghi công, bà dùng chiếc gậy mây khèo quéo, đập xuống đầu tôi một cái nảy lửa. Bà răn dạy “ Làm người phải có chí khí, bà không có loại cháu như vậy. Cháu nhìn lại mình coi, mới nức mắt tuổi đầu yêu đương nhăng nhít, học hành không đến nơi đến chốn làm được gì, ra khỏi nhà ngay ”. Đầu tôi nổi lên một cục sau cú đánh trời giáng . Hôm sau tôi lại bỏ nhà cùng chiếc xe đạp mới mua, lặn mất hơn tháng . Cũng may lần ấy tôi về phố huyện có lớp chiêu sinh học Bổ túc văn hoá, đối tượng diện con nhà chính sách . Tôi mua hồ sơ ,hì hục viết , xác nhận địa phương rồi đăng ký.
Ngày tôi đi học trở lại, nội vui mừng hớn hở . Bà có con gà mái tơ đem ra chợ bán cho tiền tôi làm lộ phí . Mẹ may cho bộ quần áo mới . Tôi đi như mây gió . Hai đứa em chạy theo níu kéo, căn dặn đủ điều . Sáu năm trường Bổ túc tuy khổ mà vui , nhưng so với hồi còn ở nhà nỗi khổ đâu thấm tháp gì . Trong thời gian học một biến cố khôn lường xảy ra . Mẹ tôi do sơ suất trong nấu bếp. Ngọn lửa đã thêu rụi ngôi nhà tranh vách đất và toàn bộ tư trang, tài sản chút ít của gia đình. Mẹ tôi ngất lên lịm xuống, nội ngồi thức trắng nhiều đêm. Tôi về khi người anh rể và bà con họ tộc, chòm xóm quyên góp vật liệu, cây gỗ xây dựng lại ngôi nhà. Trước nỗi bi đát hoạ vô đơn chí, tôi ngửa mặt kêu trời, mà trời chẳng thấu. Ba tháng, sau cú sốc nội tôi qua đời một cách bình yên như ngủ, không đau ốm bệnh tật. Bà thọ 92 tuổi. Tôi thi tốt nghiệp cấp ba thuộc loại giỏi và tiếp theo đỗ vào trường đại học.
Bốn năm trường đại học lấy gì mà sống ? Tôi băn khoăn trăn trở, và khích lệ của bạn bè, quyết định khăn gói lên đường . Sinh viên thời bấy giờ , đứa thì đạp xích lô, đứa thì rửa bát, gia sư… để trang trải chi tiêu . Tôi vò vẽ, tập tễnh viết văn, làm thơ gửi báo. Vậy mà cũng có đồng ra, đồng vào .Thế nên bây giờ mới trở thành nghiệp chướng văn chương .
Đói khổ, cực nhọc, nước mắt rồi cũng qua đi . Tốt nghiệp đại học tôi về địa phương nhận công tác, rồi lấy vợ sinh con, ở thành phố . Mẹ tôi cuối đời an nhàn hưởng thụ với xuất trợ cấp liệt sĩ ,có công và anh em chúng tôi hỗ trợ thêm. Hiện nay bà già yếu lắm rồi, muốn ở chơi với con cháu nào thì ở,, cũng chỉ dăm ba ngày. Cuối cùng vẫn quay về ngôi nhà cũ. Các anh chị và em tôi ở quê đều lập gia thất, không giàu nhưng cũng tạm ổn định cuộc sống . Chuyện của gia đình tôi mỗi khi nhắc lại, tôi lại chạnh lòng, ứa nước mắt . Xin cảm ơn Đảng, nhà nước, cảm ơn người cha đã hy sinh trọn đời cho cách mạng .Cảm ơn bà nội tuyệt vời , cảm ơn mẹ đã sinh ra con . Nếu không có Đảng, nhà nước, không có nội thì giờ này tôi cũng chỉ là thằng nông dân không chữ nghĩa . Cày sâu cuốc bẫm, một nắng hai sương./.

Không có nhận xét nào: