22 thg 1, 2009

NĂM TRÂU NÓI CHUYỆN TẾT BÒ


Kể từ lúc rời xa quê lên thành phố . Tôi bù đầu vào công việc với bao nỗi vất vả, lo toan. Đâu còn thời giờ để mà nghĩ chuyện khác.Bỗng dưng chiều nay rỗi rãi, tôi xách xe máy chở con trai về quê thăm nội .
Ngồi trước hàng hiên nhà, nhìn hàng sầu đông rụng lá . Những cành hoa tím lú nhú vươn lên, thoang thoảng mùi hương. Bao kỷ niệm thuở ấu thơ chợt ùa về .Đứa em trai tôi,nhà bên cạnh lùa năm con bò bóng mượt, bụng căng tròn sau một ngày chăn dắt. Tự nhiên tôi hỏi mẹ một câu đến ngớ ngẩn :
- Bây giờ mình còn tục lệ tết Bò nữa không hả mẹ ?
- Ối dào ! Miệng bà móm mém :Bỏ lâu rồi con ơi ! Ngày xưa ruộng đất nhiều, người ít . Bò là công cụ hữu hiệu của nhà nông, nên ai cũng phải nâng niu,chăm sóc kỹ . Coi đó là vật linh thiêng của từng gia đình nên xuân về, tết đến nhà nhà nuôi Bò đề phải cúng trả lễ ,từ đó mới có tục lệ tết Bò . Ngày nay người nuôi Bò cốt bán lấy tiền, còn vật đi vào các lò mổ, xẻ thịt . Con nhớ làm chi cho đau óc. Nghe mẹ nói một hồi, tôi lặng im trầm ngâm, xa xôi , nghĩ ngợi…
Nhớ hồi còn nhỏ , nhà nuôi sáu con Bò. Bốn con đực cày ruộng , hai con cái làm giống . Tôi và anh tôi thay nhau chăm sóc, cho ăn cỏ, rơm khô . Tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày. Không được nhốt nhiều trong chuồng, nhốt quá bò cuồng chân, hư móng. Lúc thì anh em chúng tôi lùa thả ở các Gò ( nghĩa địa )của làng, lúc lùa ra ngoài đồng ruộng. Bữa nào đàn bò về nhà mà không no sẽ bị mẹ cho ăn đòn.
Hàng năm tết đến . Anh em tôi chuẩn bị nhiều bao cỏ tuơi, rơm khô trên nọc rút xuống để sẵn . Chuồng trại dọn sạch không dơ bẩn. Cày bừa rửa kỹ, gát lên chuồng. Ngày cuối năm ,30 tháng chạp cho bò ăn ít cỏ, sau đó máng phải cho đầy rơm, nước uống đầy thùng để bò ăn, uống cho đến hết ngày mùng một. Đúng năm giờ chiều mẹ kê bàn, trước cửa chuồng. Thết lên mâm ngũ quả, bánh cốm, bánh thuẫn, bánh tét , giấy vàng bạc, giấy ngũ sắc, sau đó đốt hương khấn vái trời đất, long thần bổn cuộc phù hộ độ trì cho đàn bò khỏe mạnh, sống lâu giúp ích gia đình.
Sáng mồng hai tết , cho bò ăn thật nhiều cỏ và vuốt ve mỗi con một chút . Ba giờ chiều mồng ba cúng tạ . Lại thết lên bàn mâm ngũ quả. Lần này các loại bánh phải nhiều hơn. đặc biệt cốm hộp, bánh tét, giấy vàng bạc không thể thiếu. Sau khi cúng xong, mẹ lấy kéo cắt giấy vàng bạc mỗi tờ làm hai, sai anh em tôi đến từng con bò dán lên sừng mỗi con một tờ, dán lên róng chuồng bò. Cày, bừa đề phải dán hết. Đây là ý nghĩa biểu thị của gia đình đối với công cụ nhà nông. Năm mới cái gì cũng phải mới . Số giấy vàng bạc, ngũ sắc còn lại mẹ đốt hết để gửi theo . Đúng năm giờ chiều mẹ đích thân mở chuồng cho Bò đi dạo cảnh đầu năm. Độ nửa giờ lùa về nhốt lại cho đến mồng bảy hạ niêu , mới hoạt động trở lại bình thường.
Đến bây giờ tôi mới biết, tục lệ Tết bò nó mang sắc thái tín ngưỡng nhà nông . Một tục lệ dân gian thuần tý , giàu bản sắc văn hoá, nó mang lại niềm tin, sức mạnh cho con người khi bước sang một năm mới , kích thích họ nhiều tinh thần,nghị lực để lao động làm ra của cải vật chất . Rất tiếc tục lệ ấy, đến bây giờ đã bị mai một , có mấy ai còn nhớ ? Đầu năm xin phép các bậc cao niên, viết vài dòng để ôn lại thời quá khứ, có gì còn thiếu sót, xin bỏ quá cho./.

Không có nhận xét nào: